Hiện nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang chậm trong công tác cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cho người dân. Đối với cơ quan chậm cấp GCN, theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt thế nào?
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, sẽ xử phạt đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán, nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở (tổ chức, doanh nghiệp được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán) chậm cấp GCN.
Thời gian chậm cấp GCN sẽ được tính kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở cho người dân. Sẽ phạt tài chính và mức phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào thời gian cũng như số hộ gia đình, cá nhân bị chậm cấp. Nếu chậm cấp GCN từ 3-6 tháng với dưới 30 hộ gia đình, cá nhân, mức phạt thấp nhất là từ 10-30 triệu đồng. Mức phạt sẽ tỉ lệ thuận với thời gian và số hộ gia đình, cá nhân bị chậm cấp GCN và cao nhất là 500 triệu đến 1 tỉ đồng đối với trường hợp cấp chậm trên 12 tháng cho từ 100 hộ, cá nhân trở lên.
|
Các tổ chức, cán bộ, cơ quan nhà nước chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sẽ bị xử phạt hành chính. Ảnh minh họa |
Song, mức phạt nêu trên chỉ áp dụng đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở với mục đích bán, còn với cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan có thẩm quyền cấp GCN thì không nằm trong khung phạt trên.
Đối với cơ quan nhà nước chậm cấp GCN cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm GCN sẽ áp dụng một quy định xử phạt khác.
Theo đó, thời hạn cấp GCN theo quy định của pháp luật là không quá 30 ngày và không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa… Thời gian được tính kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, không tính thời gian nghỉ lễ, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất… Nếu quá thời hạn này mà người dân không được cơ quan cấp GCN giải quyết hoặc không trả lời thì hoàn toàn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện cơ quan đó.
Nếu cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ cấp GCN cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm về thời hạn cấp giấy sẽ bị xử kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật cán bộ, công chức. Hình thức kỷ luật đối với các cán bộ, công chức vi phạm sẽ được áp dụng tùy theo mức độ cụ thể, từ khiển trách, cảnh cáo cho đến cách chức…