Phong cách Retro xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước, sớm trở nên thịnh hành và hiện vẫn rất được ưa chuộng. Trong thiết kế nội thất, phong cách Retro là sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa của quá khứ và "hơi thở" của nhịp sống hiện đại.
Trong phạm vi bài viết này, Dothi.net sẽ giới thiệu tới bạn đọc những đặc trưng cơ bản của phong cách Retro đầy mê hoặc trong thiết kế nội thất.
Phong cách Retro là gì?
Trước hết, thuật ngữ "Retro" được rút gọn từ "Retrospective" tức hồi tưởng quá khứ, nhìn lại dĩ vãng. Có nguồn gốc từ Bắc Âu, phong cách Retro trở nên thịnh hành trong những năm 1950 - 1970 và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thiết kế nội thất.
Thiết kế nội thất theo phong cách Retro thường sử dụng chất liệu hiện đại để mô phỏng lại những đường nét, kiểu dáng của nội thất cổ điển mà không nhất thiết phải dùng các bộ nội thất cũ. Như vậy, với phong cách này, gia chủ không cần quá sành đồ cổ. Sự giản đơn, giao thoa hài hòa giữa cổ điển và hiện đại là những gì bạn có thể cảm nhận được ngay khi bước vào một ngôi nhà hoặc căn phòng phong cách Retro.
|
Mẫu phòng khách được bài trí theo phong cách Retro độc đáo, quyến rũ. |
Phong cách nội thất độc đáo này được chia làm 3 giai đoạn phát triển, ứng với 3 thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước. Mỗi một giai đoạn, nội thất Retro có những đặc trưng rất riêng về chất liệu, kiểu dáng đồ nội thất, cách sử dụng màu sắc, họa tiết, phụ kiện trang trí...
Chẳng hạn, nội thất Retro trong những năm 60 thiên về xu hướng hiện đại với những đường cong sâu rộng và sử dụng phổ biến các tông màu đỏ, be, cam. Bước sang thập niên 70, nội thất Retro là sự kết hợp hài hòa giữa các đường cong, tròn với hình chữ nhật hoặc đường thẳng. Cách phối màu cũng trở nên táo bạo hơn với các gam màu nổi bật như xanh, cam, vàng...
Ngày nay, phong cách nội thất Retro đang là lựa chọn của nhiều gia đình bởi vẻ đẹp cổ điển - hiện đại mà nó mang lại cho không gian sống. Mang hơi hướng hoài cổ nhưng nội thất Retro không hề rườm rà, cầu kỳ trong thiết kế, thay vào đó là sự giản đơn, phóng khoáng.
Những đặc trưng cơ bản của phong cách nội thất Retro
Màu sắc sống động, táo bạo, đầy ngẫu hứng
Màu sắc đóng vai trò rất quan trọng, tạo nên đặc trưng rất riêng của thiết kế nội thất Retro. Phong cách này thường sử dụng những tông màu đậm nổi bật như đỏ đô, xanh lam đậm... thể hiện rõ sự mạnh mẽ, cá tính mà gia chủ muốn truyền tải. Tuy nhiên, mỗi một giai đoạn phát triển, cách phối màu có sự khác biệt nhất định.
Trong những năm 1950, phong cách Retro chia làm hai cách phối màu. Cách thứ nhất là phối hợp giữa các tông màu đậm với những màu sáng. Cách phối màu thứ hai thiên về kết hợp những tông màu nhạt như xanh lục bảo, be, navy,...
|
Màu sắc nội thất Retro những năm 1950 |
Bước sang thập niên 60, những gam màu tươi sáng được kết hợp một cách táo bạo và đầy ngẫu hứng. Những tông màu như trắng, cam, tím, đỏ, hồng có thể xuất hiện cạnh nhau một cách tự nhiên tạo nên một không gian vô cùng rực rỡ và ấn tượng.
|
Màu sắc nội thất Retro những năm 1960 |
Những năm 1970 là thập niên của màu sắc trung tính. Theo đó, những gam màu như xanh hải quân, xanh lá cây, màu cát, be, màu nâu, mận, cam cháy, tím đậm, rượu vang... được sử dụng phổ biến. Do ảnh hưởng từ trào lưu nhạc Disco nên nội thất Retro cũng không thể thiếu sắc vàng và trắng bạc trong giai đoạn này.
|
Màu sắc nội thất Retro những năm 1970 |
Có thể nói, đối với phong cách nội thất Retro, việc lựa chọn và phối kết màu sắc luôn là một thách thức không hề nhỏ để tạo ra một không gian sống vừa trang nhã, sang trọng vừa phóng khoáng và cá tính.
Bức tường ấn tượng
Hầu hết các bức tường trong ngôi nhà phong cách Retro thường được sơn bằng những tông màu pastel, màu trắng hoặc trắng ngà. Có thể nói, đây là khâu đầu tiên để tạo nên hơi hướng hoài cổ cho phong cách này. Cùng với đó, giấy dán tường với họa tiết lớn cũng được sử dụng phổ biến và được coi là một trong những đặc trưng cơ bản để nhận diện phong cách Retro.
|
Màu sơn tường phổ biến của phong cách nội thất Retro |
|
Một số mẫu giấy dán tường phong cách Retro |
|
Gương mặt trời trang trí phòng cách phong cách Retro những năm 1960. |
Đa dạng về vật liệu nội thất
Nhựa là vật liệu có tính ứng dụng rất cao và nổi bật trong thiết kế nội thất Retro. Nhựa được dùng để sản xuất bàn, ghế, đèn trang trí và những món nội thất khác. Bên cạnh loại vật hiệu hiện đại này, gạch ốp lát cũng xuất hiện phổ biến trong phòng bếp hoặc phòng tắm.
|
Nội thất Retro hiện nay ưa chuộng sử dụng chất liệu gỗ ấm áp. |
Để mang đến vẻ đẹp hiện đại, sang trọng và gần gũi cho không gian sống, phong cách nội thất Retro ngày nay sử dụng nhiều chất liệu gỗ. Trong khi đó, vật liệu kim loại xuất hiện với bề mặt không quá sáng bóng, thậm chí có thể hơi rỉ sét và trầy xước nhẹ để tạo cảm giác hoài cổ.
Mặt khác, để giúp các đường nét thiết kế trở nên uyển chuyển, mềm mại và lãng mạn hơn, nội thất Retro còn sử dụng chất liệu voan mỏng, ren hoặc cotton cho những món đồ khá cầu kỳ như rèm cửa, vỏ gối tựa, chăn ga...
Đồ nội thất đơn giản, chú trọng đường nét và hình khối
Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại tạo nên sức hút riêng cho những món nội thất phong cách Retro. Những đường nét chính của kiểu thiết kế cổ điển được cách tân, làm mới bằng những họa tiết đơn giản, gọn gàng. Các chi tiết rườm rà, chạm trổ cầu kỳ được giản lược tới mức tối đa.
|
Đồ nội thất phong cách Retro thường gọn nhẹ và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. |
Đặc biệt, hình dáng của nội thất phong cách Retro rất đa dạng và có quy định nghiêm ngặt về từng góc cạnh. Phong cách nội thất này chuộng những món đồ mang nhiều nét hiện đại hơn cổ điển và có khả năng ứng dụng cao trong cuộc sống.
Phụ kiện trang trí mang hơi hướng hoài cổ
Tranh ảnh được xem là phụ kiện trang trí được yêu thích nhất trong thiết kế nội thất Retro. Thông thường, đó là những bức tranh mang chủ đề đương đại hoặc một chủ đề trừu tượng. Bước vào một ngôi nhà được bài trí theo phong cách này, có thể bạn sẽ bắt gặp bức tranh về một nhóm nhạc hoặc một ca sĩ nổi tiếng trong những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước.
Tranh trang trí thường được đóng khung đơn giản và kết hợp đầy ngẫu hứng tạo nên không gian sống phóng khoáng, tươi mới, linh hoạt và dễ dàng thay đổi khi cần.
|
Tranh trang trí theo phong cách Retro |
Bên cạnh đó, phong cách Retro cũng chuộng những phụ kiện trang trí mang hơi hướng cũ và đượm màu thời gian như đồ lưu niệm bắt mắt, những bức tượng nhỏ sờn màu... Rèm cửa sổ, khăn trải bàn và ga giường nổi bật với những họa tiết hình học độc đáo. Một tấm thảm trải sàn màu sắc tươi sáng, họa tiết hiện đại trở thành điểm nhấn ấn tượng, làm sáng bừng không gian sống.
Đặc biệt, logo của các thương hiệu nổi tiếng, những tấm áp phích hoặc một chiếc đèn đối lưu... là những món đồ trang trí không thể thiếu của phong cách nội thất Retro những năm 1960.
Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên
Ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa trong phong cách nội thất Retro. Theo đó, hệ cửa sổ thường được thiết kế dạng vòm rộng hoặc cửa sổ cánh thay vì sử dụng các mảng kính lớn để đón sáng. Mặt khác, ánh sáng nhân tạo cũng bố trí một cách tinh tế. Ánh sáng đèn được kết hợp hài hòa từ trần, tường đến sàn nhà giúp tôn lên vẻ đẹp của đồ nội thất cũng như phụ kiện trang trí.
Gia chủ có thể sử dụng những bộ đèn chùm phong cách cổ điển sang trọng hoặc đèn cây đứng hiện đại cho từng khu vực chức năng cụ thể. Một trong những đặc điểm nổi bật để nhận diện phong cách Retro thập niên 1970 chính là những chiếc đèn cây để sàn có chụp đèn lớn.
|
Mẫu đèn cây cổ điển tạo điểm nhấn bắt mắt trong phòng khách phong cách Retro. |
Tóm lại, để thiết kế một căn phòng theo phong cách Retro đòi hỏi bạn phải thật sự tỉ mỉ và trau chuốt từng chi tiết hoặc món đồ trang trí nhỏ. Retro là sự hòa quyện giữa cổ điển và hiện đại nên bạn có thể tự do sáng tạo, kết hợp với các phong cách khác miễn sao vẫn đảm bảo được những đặc trưng cơ bản nói trên.
Ngày nay, nội thất Retro theo trường phái hiện đại khá được ưa chuộng. Phong cách này nghiêng về yếu tố hiện đại hơn bằng cách thay đổi màu sắc, họa tiết của giấy dán tường, vải bọc ghế sofa, bài trí thêm một vài món đồ công nghệ mới. Cùng với đó, bạn cũng có thể biến đổi một chút để phù hợp với nhu cầu, sở thích của mình.
Căn hộ dưới đây sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về phong cách Retro trong thiết kế nội thất:
|
Với những khung cửa lớn, căn hộ phong cách Retro tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên. Nền tường màu trắng chủ đạo giúp tôn lên vẻ đẹp của đồ nội thất. |
|
Sàn căn hộ được lát gỗ màu sáng tạo cảm giác ấm áp, thân thuộc. |
|
Các khu vực chức năng được phân tách tương đối bằng thiết kế sàn giật cấp. |
|
Góc làm việc tại gia với bàn gắn trực tiếp vào tường bếp. Khi không sử dụng, chủ nhân có thể gấp gọn giúp tiết kiệm diện tích tối đa. |
|
Gian bếp tuy nhỏ hẹp nhưng được bài trí hết sức gọn gàng, thuận tiện cho người nội trợ dễ dàng thao tác nấu nướng. |
|
Phòng ngủ nhỏ gọn, có thiết kế đơn giản với điểm nhấn ấn tượng từ bức tranh tĩnh vật trang trí đầu giường. |
|
Góc làm việc đơn giản với kệ lưu trữ dạng mở được bố trí trên cao. |
|
Tường phòng tắm được ốp gạch màu xanh - trắng tạo cảm giác sạch sẽ và dễ dàng vệ sinh. |