Sự sụt giảm về mức tiêu thụ trong thời gian qua đã thể hiện tình trạng “suy nhược” của không ít doanh nghiệp xi măng. Phương án tuyên bố phá sản đã được tính tới
Tiêu thụ xi măng 9 tháng của Vicem đạt thấp
Sự sụt giảm về mức tiêu thụ trong thời gian qua đã thể hiện khá rõ tình trạng “suy nhược” của không ít doanh nghiệp xi măng.
Ngay cả doanh nghiệp vốn được coi là mạnh về thị trường, thương hiệu, với chiến lược phát triển bài bản như Hà Tiên, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), hay một số công ty liên doanh cũng rơi vào cảnh bị thu hẹp thị trường. Tính chung, sau 10 tháng hoạt động, thị phần của Vicem bị giảm gần 3% và song hành với sự suy giảm đó là khoản lỗ trên 220 tỷ đồng.
Theo Vicem, chi phí tài chính tăng cao, nhiều dự án mới được đưa vào hoạt động, phải trả nợ đầu tư, chi phí vật tư đầu vào như giá xăng tăng 32 - 43%, điện tăng 15,28%, đặc biệt là giá than tăng 88%, cộng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản đã kéo tình hình kinh doanh của ngành xi măng đi xuống.
Trong bối cảnh khủng hoảng, cắt giảm đầu tư, doanh nghiệp lâu năm trong ngành, có sẵn thị trường, sẵn khách hàng còn phải chật vật duy trì hoạt động kinh doanh, thì với doanh nghiệp ra đời sau, nếu không thể hiện được sự vượt trội về công nghệ, giá thành và những độc chiêu để chiếm lĩnh thị trường…, khó khăn là điều có thể nhìn thấy trước.
Công ty Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn) gia nhập thị trường xi măng cuối năm 2010 sau 4 năm xây dựng, nhưng sau chưa đầy 1 năm hoạt động, đã lỗ 141 tỷ đồng và theo báo cáo mới nhất, doanh nghiệp này không có khả năng trả nợ.
Năm 2006, Dự án xi măng Đồng Bành, công suất 910.000 tấn xi măng/năm được khởi công xây dựng, có tổng vốn 1.298,2 tỷ đồng, nhưng do tiến độ thi công chậm 2 năm, mức đầu tư vì thế đã đội lên 1.505 tỷ đồng. Điều đáng nói là, ngay từ thời điểm đầu tư dự án này, ngành chức năng đã có những cảnh báo về dư thừa nguồn cung xi măng.
Cần nói thêm rằng, Dự án Xi măng Đồng Bành được đầu tư bởi các cổ đông sáng lập là Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (Mie), Công ty Xi măng Lạng Sơn. Thực tế, chủ đầu tư chỉ góp 52,485 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,49% tổng mức đầu tư, phần vốn thiếu được vay từ các tổ chức tài chính gồm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (272,142 tỷ đồng), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (183,467 tỷ đồng), Ngân hàng ANZ (747,850 tỷ đồng).
Giả thiết, nếu thị trường xi măng phát triển bình thường, không bị tác động bởi khủng hoảng và chương trình cắt giảm đầu tư công, khiến các dự án lớn hoặc phải giãn tiến độ, hoặc dừng đầu tư, thì chắc hẳn các dự án sản xuất xi măng mới tham gia thị trường như Xi măng Đồng Bành sẽ dễ thở hơn đôi chút.
Tuy nhiên, Xi măng Đồng Bành lại là dự án được đầu tư với 80% từ nguồn vốn vay, thời gian đầu tư kéo dài thêm 2 năm, chi phí đầu tư bị đội lên nhiều, cộng thêm vốn vay lưu động để duy trì hoạt động, nên khó khăn càng chồng chất. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, từ năm 2011 đến 2015, doanh nghiệp này sẽ thiếu khoảng 600 tỷ đồng để trả nợ các tổ chức tín dụng và bù đắp nguồn tiền mất cân đối.
Chủ tịch HĐQT Vicem, ông Lê Văn Chung cho rằng, các dự án xi măng thường được đầu tư bằng ngoại tệ. Sau thời gian khủng hoảng tài chính, lãi suất ngân hàng tăng, cộng thêm trượt giá, công tác thu hồi vốn và trả nợ là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp. Riêng tại Vicem, với 7 dự án đưa vào sản xuất trong năm 2011, dự kiến các doanh nghiệp sẽ phải trả khoản nợ khoảng 3.200 tỷ đồng, tương đương mức vốn đầu tư mới một nhà máy xi măng lớn.
Cũng theo đại diện Vicem, việc tuyên bố phá sản đang là phương án cần được tính đến với một số dự án xi măng quá yếu. Mặc dù việc phá sản có thể sẽ khiến một bộ phận lao động gặp khó khăn, nhưng đây là một trong những động thái cần thiết để tái cơ cấu ngành công nghiệp quan trọng này. Đồng thời, việc đào thải những nhân tố kém năng lực cạnh tranh cũng là một giải pháp cần thiết để lành mạnh hóa ngành công nghiệp xi măng.
(Theo Đầu Tư)