Từ năm 2011 khi xây các công trình cao tầng (9 tầng trở lên) phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu không nung loại nhẹ (không lớn hơn 1.000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây dựng.
Từ năm 2011 khi xây các công trình cao tầng (9 tầng trở lên) phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu không nung loại nhẹ (không lớn hơn 1.000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây dựng.
Đây là quy định trong quyết định số 567/QĐ-TTg đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 28-4 về quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng không nung từ nay đến năm 2020.
Theo quyết định này, việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung để thay thế gạch đất sét nung sẽ kiết kiệm được đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu này sẽ giúp giảm chi phí xử lý chất phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than...
Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020.
Để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất vật liệu không nung, quyết định cũng quy định rõ doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp… Đối với các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu không nung nhẹ và gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên/năm trở lên được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm.
Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và phát triển vật liệu không nung.
Theo ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng để sản xuất 1 tỉ viên gạch sẽ tiêu tốn khoảng 1.500.000 mét khối đất sét, tương đương 75 héc ta đất nông nghiệp (với độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than. Bên cạnh đó khi nung sẽ thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống.
(Theo TBKTSG)