Hưởng ứng và gấp rút đầu tư nhà máy, thiết bị dây chuyền sản xuất vật liệu không nung. Nhưng sau gần hai năm, các DN sản xuất vẫn còn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.
> Cấm triệt để việc dùng đất sản xuất nông nghiệp sản xuất gạch ngói đất sét nung
> Vật liệu xây không nung: Công nghệ vẫn phụ thuộc nước ngoài
> Sản xuất vật liệu xây không nung từ bùn thải và tro bay
Hưởng ứng và gấp rút đầu tư nhà máy, thiết bị dây chuyền sản xuất vật liệu không nung. Nhưng sau gần hai năm, các DN sản xuất vẫn còn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.
Người dân chưa hiểu
Hiểu được tính ưu điểm vượt trội của “sản phẩm xanh” nên các DN hưởng ứng nhiệt tình chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), trong đó có thể kể đến sự phát triển mạnh mẽ của bê tông nhẹ. Đến nay đã có 8 nhà máy bê tông khí chưng áp AAC đi vào sản xuất và 1 nhà máy chuẩn bị đi vào sản xuất với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu m3/năm, 17 cơ sở sản xuất bê tông bọt với tổng công suất thiết kế gần 0,2 triệu m3. Tổng công suất bê tông nhẹ hiện có là 1,7 triệu m3/năm. Bên cạnh đó có 13 nhà máy bê tông khí chưng áp với tổng công suất 2,3 triệu m3 đang được đầu tư xây dựng, sẽ đi vào sản xuất trong năm 2012. Do đó, theo tính toán của Hội VLXD thì đến hết năm 2012 sẽ có tổng công suất 3,8 triệu m3 bê tông khí, chưa kể 13 DN đang lập dự án hoặc có kế hoạch đầu tư sản xuất bê tông khí với tổng công suất 2,25 triệu m3.
Sự phát triển nhanh đến mức chóng mặt của các đơn vị sản xuất bê tông nhẹ đã đặt ra một câu hỏi lớn về lối đi của sản phẩm khi mà khắp các công trình xây dựng cũng như người dân vẫn còn “lơ mơ” về sản phẩm này. Khôn ngoan và nhạy bén, nhiều DN đã tìm và thuyết phục được bạn hàng sử dụng sản phẩm của mình, tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng làm được như thế nên sản phẩm vẫn bị “ế” và tồn kho hoặc hoạt động không hết công suất thiết kế. Nhiều cơ sở hoạt động cao nhất chưa được 50% công suất, thấp nhất chỉ bằng 20% công suất. Có cơ sở đã tồn kho tại bãi lên đến trên 10 nghìn m3 sản phẩm (bằng sản lượng 1 tháng sản xuất). Một số nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Không ít các hội nghị mở, hội ý kín giữa các DN sản xuất bê tông nhẹ đã diễn ra để cùng hợp lực tìm lối đi cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Cty CP Bê tông khí VIGLACERA (Bắc Ninh) cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang đứng trước rất nhiều thách thức để phát triển sản xuất cho sản phẩm gạch AAC. Tính pháp lý cho sản phẩm AAC chưa đầy đủ khiến các DN chúng tôi rất khó bán sản phẩm vào các công trình xây dựng. Cũng cùng ý kiến, ông Kiều Văn Mát - Tổng giám đốc Cty CP Sông Đà Cao Cường (Hải Dương) cho rằng: Vấn đề mà các DN chúng tôi quan tâm chính là đầu ra cho sản phẩm. Tôi nghĩ đã đến lúc cần quy định các nhà cao tầng sử dụng từ 50 - 70% gạch nhẹ từ năm 2012 chứ không phải khuyến khích sử dụng 30% gạch nhẹ như hiện nay.
Tìm cách tháo gỡ
Trên thị trường hiện tại, không chỉ bê tông nhẹ như gạch AAC mà tất cả các loại VLXD cũng đang ế hàng do kinh tế nước ta đang gặp khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường BĐS trầm lắng, lãi vay tăng cao… Trong văn bản gửi Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng, Hội VLXD có đưa ra những khó khăn mà các đơn vị sản xuất gạch AAC đang gặp phải, trong đó có nhấn mạnh đến việc: Đến nay chưa có bất cứ một Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg kèm theo; các văn bản liên quan như: Tiêu chuẩn, định mức vật tư, nhân công, quy phạm thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình sử dụng sản phẩm bê tông nhẹ cũng chưa được ban hành, nên không có cơ sở để thiết kế, xây dựng, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình… đặc biệt là các công trình sử dụng vốn Nhà nước, gần như 100% số công trình không sử dụng bê tông nhẹ. Vì vậy các chủ đầu tư, các Cty tư vấn thiết kế, các nhà thầu xây dựng, người dân còn nhiều nghi ngại khi chuyển qua sử dụng sản phẩm mới và chưa có cơ sở để đưa các sản phẩm bê tông nhẹ vào thiết kế các công trình.
Tuy nhiên, có một thực tế cũng cần phải được nhìn nhận nghiêm túc, đó là trong quá trình thực hiện, các nhà đầu tư gạch AAC còn thiếu kinh nghiệm và nguồn vốn còn hạn chế, nên nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình hoặc thấp, thiếu đồng bộ, chất lượng thiết bị không tốt, công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, gạch AAC đưa ra thị trường lại có giá cao hơn so với gạch nung truyền thống nên các công trình tỏ ra không mặn mà với “sản phẩm xanh” này.
Ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết: Nhìn ra thế giới, thì các nước sử dụng gạch không nung họ không có tiêu chuẩn và không có hướng dẫn sử dụng gạch AAC. Tuy nhiên, ở Việt Nam, gạch AAC là vật liệu mới với cả người sản xuất, sử dụng và nhà quản lý. Nhưng với những ưu điểm vượt trội nên ngoài bộ sản phẩm TCVN 7959:2008 đối với block gạch bê tông khí chưng áp đã được ban hành năm 2008 thì Bộ Xây dựng thấy nhất thiết cần phải ban hành những bộ tài liệu tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu; tài liệu định mức kinh tế kỹ thuật… để hỗ trợ cho việc phát triển gạch AAC ở Việt Nam. Do đó, Bộ Xây dựng đã giao nhiệm vụ cho Viện VLXD, Viện Kinh tế xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng nghiên cứu, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn đã ban hành cho đầy đủ các chỉ tiêu về sản phẩm. Các đơn vị cũng đã tích cực triển khai hoàn chỉnh, trong thời gian tới sẽ ban hành. Các DN cũng vì thế cần khắc phục những nhược điểm của sản phẩm để tiếp cận thị trường, mở ra thời “vật liệu xanh” được người dân, các công trình sử dụng một cách phổ biến, rộng rãi.
“Bộ Xây dựng thấy nhất thiết cần phải ban hành những bộ tài liệu tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu; tài liệu định mức kinh tế kỹ thuật… để hỗ trợ cho việc phát triển gạch AAC ở Việt Nam" |
(Theo Xây Dựng)