'Cuộc chiến' giành mua sân bay London City cuối tuần vừa qua với phần thắng thuộc về quỹ lương hưu Canada cho thấy mức độ 'săn đón' mà các nhà đầu tư nước ngoài dành cho các sân bay chủ chốt tại Anh.
Sự quan tâm cùng các khoản đầu tư lớn của giới đầu tư quốc tế đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của các sân bay cũng như lĩnh vực vận tải đường không của Vương quốc Anh.
Phần lớn các sân bay lớn nhất của Anh hiện do các quỹ đầu tư cổ phiếu tư nhân hoặc các quỹ lương hưu nước ngoài sở hữu, theo thông tin từ phóng viên TTXVN tại London.
Cuối tuần qua, quỹ lương hưu Canada đã mua sân bay London City.
(Nguồn ảnh: Bloomberg).
Sân bay London City nằm gần trung tâm tài chính Canary Wharf ở London được bán cho Ontario Teachers’ Pension Plan, là một công-xoóc-xium gồm các quỹ lương hưu của Canada với giá 2 tỷ bảng Anh là sự tiếp nối xu hướng giới đầu tư nước ngoài sở hữu các sân bay của Anh kể từ sau khi tập đoàn điều hành sân bay BAA (hiện mang tên Hearthrow Airport Holdings) buộc phải bán sân bay Gatwick.
Được biết, Ontario Teachers’ Pension Plan sở hữu 5 sân bay tại Châu Âu, sân bay Birmingham và Bristol của Anh là một trong số đó.
Gần 53% sân bay của Anh hiện do tư nhân sở hữu hoàn toàn, trên 25% sân bay do nhà nước và tư nhân cùng sở hữu và 21,1% thuộc quyền sở hữu của nhà nước, báo cáo phân tích của Hội đồng sân bay quốc tế Châu Âu cho hay.
Giới đầu tư ngoại đang nắm cổ phần đa số trong 2 sân bay lớn nhất của Anh là Heathrow và Gatwick cùng một số sân bay khác như Edinburgh, Aberdeen, Bristol, Belfast.
Hiện các nhà đầu tư ngoại vẫn đang tìm kiếm các cơ hội tại các sân bay ở Anh, nhất là các sân bay tại Thủ đô London. Những khoản đầu tư nước ngoài hiện đang mang tới lợi ích cho các sân bay của Anh.
Ngay sau khi được bán cho các nhà đầu tư ngoại, Gatwick có thể đầu tư 1 tỷ bảng để tái phát triển Nhà ga phía Bắc, trong khi Heathrow dành 11 tỷ bảng trong thập niên qua để xây dựng Nhà ga số 2 và Nhà ga số 5.
Song, đầu tư nước ngoài đang chủ yếu tập trung vào các sân bay lớn và sân bay chủ chốt của Anh, còn các sân bay nhỏ vẫn phải vật lộn với khó khăn hoặc đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính.