Trong năm 2014, thị trường bất động sản Nhật Bản đã nhận gần 1.000 tỷ yen vốn đầu tư từ các tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài, tăng gấp 3 lần so với năm 2013, tương đương 20% giá trị giao dịch nội bộ của thị trường bất động sản Nhật Bản năm 2014.
Một góc thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đồng yen mất giá, kéo theo giá trị thực của bất động sản tại Nhật Bản cũng giảm theo, khiến trào lưu mua sắm bất động sản ở nước này mạnh lên. Thậm chí, ở Đài Loan, Hongkong còn nở rộ lên các tour mua sắm bất động sản tại Nhật Bản dành cho các nhà đầu tư cá nhân.
Sau bảy năm liên tục lao dốc, xu hướng trên đã giúp giá bất động sản thương mại tại Nhật Bản chững lại trong năm 2014.
Các trung tâm môi giới địa ốc cho biết, khách hàng cá nhân đến từ Đài Loan, Hongkong thường mua các căn nhà diện tích nhỏ với mức giá vừa phải nhằm mục đích cho thuê mở cửa hàng kinh doanh.
Đây được xem là cách đầu tư an toàn, giúp có thêm nguồn thu từ việc cho thuê, vừa kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng trở lại khi đồng yen tăng giá hoặc nền kinh tế đất nước này hồi phục.
Sự mất giá của đồng yen đã khiến nhiều bất động sản ở thủ đô Tokyo được đánh giá chỉ tương đương 50% giá trị của một bất động sản tương đương tại thị trường Đài Bắc, Đài Loan.
Trong khi đó, các hợp đồng giao dịch quy mô lớn cũng liên tục được các tập đoàn, các quỹ đầu tư liên tục thực hiện. Ngày 2/3 vừa qua, một tòa nhà tại thành phố cảng Osaka của Nhật Bản đã được một quỹ đầu tư có trụ sở tại Hongkong tuyên bố đã hoàn tất thỏa thuận mua với mức giá là 10 tỷ yen.
Tháng 10/2014 vừa qua, tòa nhà văn phòng có vị trí đắc địa ở gần Nhà ga trung tâm Tokyo đã được quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore xuống tiền mua với giá lên tới 170 tỷ yen. Một khách sạn khá lớn tại quận Meguro của Nhật Bản cũng đã được một quỹ đầu tư nước ngoài mua lại với số tiền được giữ kín trong tháng 1/2015.
Nếu tính giá của bất động sản tại Nhật Bản trên cơ sở giá trị của đồng USD thì đang rẻ hơn khoảng 10% so với các đô thị lớn khác trên thế giới. Công ty môi giới, dịch vụ bất động sản Johns Langrasal cho hay, giá thuê một mét vuông văn phòng bình quân tại Tokyo trong năm 2014 là 94 USD/năm, so với 179 USD của London hay 166 USD của Hongkong, thậm chí là 95 USD của Singapore thì mức giá trên vẫn rẻ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, đến thời điểm đầu năm 2015, cùng với dòng tiền bên ngoài đổ vào, thị trường bất động sản Nhật Bản đã cho thấy những dấu hiệu đang "ấm" dần lên. Tại các khu phố thương mại hàng đầu ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka và các tỉnh lân cận, giá thuê ghi nhận đang có xu hướng tăng lên khoảng 2%.
Cùng với đó, loại hình bất động sản dành cho sinh hoạt có sự thuận lợi về môi trường, cảnh quan đẹp cũng đang được các nhà đầu tư nước ngoài “nhòm ngó” và có nguy cơ sẽ đẩy giá.
Theo nhận định của giới chuyên gia bất động sản, dòng tiền đầu tư của nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.
Sẽ có những làn sóng mới trên thị trường bất động sản Nhật Bản, đặc biệt là Tokyo. Nhưng, các chuyên gia cũng như giới đầu tư lại đưa ra cảnh bảo, nhân tố này cũng tiềm ẩn những nguy hiểm cho thị trường bất động sản Nhật Bản vì dòng tiền đầu tư nước ngoài dễ đến song, tốc độ rút cũng rất nhanh và hậu quả là những khoảng trống khó có thể lấp đầy.