Dòng vốn đấu tư mới chảy vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) thương mại toàn cầu năm 2015 đạt kỷ lục với 443 tỷ USD, theo báo cáo “Great Wall of Money” mới đây của Cushman & Wakefield.
Sự tăng trưởng của vốn BĐS được ghi nhận trên cả 3 khu vực, trong đó châu Á với 131 tỷ USD, tăng 8%, nhờ vào việc một số quỹ đã hoàn thành mục tiêu đầu tư trong năm 2015. Mặc dù là tăng trưởng tuy nhiên khu vực này vẫn thu hút vốn đầu tư ít nhất. Cả hai khu vực châu Mỹ và EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) cho thấy vốn mở rộng tăng ít hơn 2%. Khu vực EMEA có vốn đầu tư mới vào khoảng 143 tỷ USD trong khi châu Mỹ vẫn dẫn đầu việc thu hút vốn, đạt 169 tỷ USD.
So với năm ngoái, vốn huy động thực tế đã bắt đầu giảm, từ 408 tỷ USD còn 407 tỷ USD. Điều này cho thấy rằng các quỹ được huy động hiện đang tập trung nhiều vào việc triển khai vốn. Ngược lại, khu vực châu Á Thái Bình Dương có sự tăng trưởng khiêm tốn là 3% và châu Mỹ tăng ít hơn 1%.
Giám đốc điều hành bộ phận Đầu tư thị trường vốn & kinh doanh dịch vụ đầu tư của Cushman & Wakefield toàn cầu, Carlo Barel di Sant’Albano cho biết: “Dòng vốn đổ liên tục vào BĐS thương mại và các quỹ liên quan sẽ được duy trì khi thị trường chứng khoán toàn cầu đối mặt với sự bất ổn định ngày càng tăng cùng với đó là các yếu tố như “nới lỏng định lượng và “lãi suất thấp hơn khi kéo dài lâu hơn”.
BĐS thương mại thu hút 443 tỷ USD từ vốn đầu tư toàn cầu (ảnh minh họa)
Báo cáo cũng chỉ ra có tới 58% các nhà đầu tư đang tập trung đầu tư vào một quốc gia đơn lẻ, và các quỹ đầu tư đa quốc gia chiếm 42% vốn còn lại. Sự thay đổi trong chiến lược đầu tư này được ghi nhận trên khắp các khu vực. Tại châu Mỹ, các quỹ đầu tư vào một quốc gia đơn lẻ chiếm 48%, trong khi tại châu Á Thái Bình Dương là 30% và tại EMEA là 22%.
Chia sẻ về thị trường Việt Nam, Alex Crane, Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield cho biết: “Tại Việt Nam, thị trường BĐS vẫn đang hấp dẫn các tổ chức đầu tư nước ngoài và nhu cầu đầu tư sẽ tiếp tục trong năm 2016. Năm 2015, số lượng các thương vụ M&A đã tăng rõ, đạt khoảng 20% so với năm 2014, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam.
Ở góc độ tổ chức thì các công ty châu Á hiện đang hoạt động rất tích cực tại Việt Nam. Thị trường trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết giữa các công ty trong nước và các tập đoàn nước ngoài trong việc sở hữu các dự án và các khoản đầu tư tốt nhất.
Vị này cũng chỉ ra khó khăn cho các nhà đầu tư và phát triển BĐS nước ngoài tại Việt Nam đó là việc tiếp cận quỹ đất. Do đó xu hướng liên doanh với các công ty nội địa trong thời gian tới được dự báo sẽ phát triển để nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận quỹ đất để phát triển dự án.”