“Hãy ngừng việc cho phép người Trung Quốc tới đây mua nhà, nhà để không cũng được”
Đây là ý kiến bức xúc của một kỹ sư phần mềm 50 tuổi, ông James Hankle khi nói về tình trạng giá nhà tăng chóng mặt ở thành phố Vancouver, Canada.
Theo hãng tin Bloomberg, nhiều người dân khác ở thành phố 2,5 triệu dân Vancouver cũng cho rằng chính những người Trung Quốc nhập cư giàu có là nguyên nhân làm tăng giá nhà tại đây.
Một căn nhà được rao bán ở Vancouver, Canada
#donthave1million
Thậm chí sự xuất hiện của những người Trung Quốc nhập cư ở Vancouver đã cho ra đời những chương trình truyền hình thực tế ăn khách như “Ultra Rich Asian Girls in Vancouver” (tạm dịch: “Những cô nàng châu Á siêu giàu ở Vancouver”).
Hiện nay, giá trung bình của một căn nhà biệt lập ở Vancouver là 2,23 triệu Đô la Canada, tương đương 1,7 triệu USD.
Việc giá nhà tăng cao ngất ngưởng đã dẫn tới sự ra đời của những phong trào biểu tình như #donthave1million (tạm dịch: Không có 1 triệu Đô la). Đây là phong trào của một nhóm trí thức trẻ bức xúc vì không mua nổi nhà. Những người tham gia phong trào này dù đã ở tuổi 30 nhưng phải trì hoãn việc lập gia đình riêng và tiếp tục phải sống cảnh chung phòng với bạn bè.
Suy rộng ra, giá nhà ngoài tầm tay khiến những người trẻ tuổi ở Vancouver khó ổn định công việc, trong khi tầng lớp trung lưu càng nặng mối lo kinh tế, bất bình đẳng thu nhập và nuôi sống gia đình, con cái.
Chính vì vậy giá nhà đã trở thành một chủ đề “nóng” trong cuộc bầu cử diễn ra ở Canada vào ngày 19/10 tới.
Cả ba ứng cử viên sáng giá cho ghế Thủ tướng Canada: ông Stephen Harper của Đảng Bảo thủ, ông Justin Trudeau của Đảng Tự do, và ông Tom Mulcair của Đảng Dân chủ mới đều hứa rằng nếu đắc cử, họ sẽ thu thập dữ liệu về việc người nước ngoài sở hữu bất động sản ở Canada và tìm hướng giải quyết.
Trong một bài phát biểu hôm 12/8 ở Vancouver, ông Harper nói: “Việc người nước ngoài đầu cơ nhà đất đang trở thành mối quan ngại thực sự khi giá nhà đang vượt tầm ngân sách của nhiều gia đình tại Canada. Đó là một vấn đề mà chúng tôi có thể giải quyết và sẽ giải quyết”
Cũng giống như nhiều người khác ở Vancouver, ông Hankle bị ám ảnh bởi chuyện giá nhà. Bản thân ông chưa bao giờ sở hữu một căn nhà. Mong muốn của ông là đảng thắng cử trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ xây thêm nhiều dự án nhà giá rẻ và đảm bảo cho người dân mức thu nhập tối thiểu đủ sống.
Từ 2 năm thành 10 năm
Không giống như nhiều nước khác, thị trường bất động sản Canada không hề sụt dốc trong thời gian suy thoái kinh tế toàn cầu. Kể từ đó đến nay, có nhiều dự báo nói bong bóng nhà đất nước này sẽ vỡ, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.
Ngoại trừ 3 lần giảm trong các năm 2009, 2012 và 2013, giá nhà ở Canada tăng trong 15 năm qua và tăng gấp đôi trong vòng 10 năm từ 2005-2015.
Theo tổ chức nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU), Vancouver là thành phố có cuộc sống đắt đỏ nhất ở khu vực Bắc Mỹ. Nghiên cứu năm 2014 của công ty tư vấn Demographia kết luận sau Hồng Kông thì Vancouver là thành phố có giá nhà đắt thứ nhì thế giới.
Một báo cáo hồi tháng 8/2015 của công ty RBC Capital Markets nói rằng, chênh lệch giá nhà so với thu nhập người dân ở Vancouver đã tăng lên mức nguy hiểm trong quý 2 vừa qua.
Chi phí để sở hữu một căn nhà một tầng (bungalow) ở thành phố này đã lên tới 86,9% thu nhập hộ gia đình - mức cao chưa từng có.
Theo GS. Paul Kershaw thuộc Đại học British Columbia cho hay, người trẻ ở Vancouver trong độ tuổi 25-34 hiện nay kiếm được ít tiền hơn, trong khi nợ nhiều hơn so với cách đây một thế hệ. Điều này có nghĩa là người trẻ Vancouver phải làm việc 10 năm mới có thể tiết kiệm đủ tiền đặt cọc mua nhà, so với chỉ 2 năm trước kia.
Hơn nữa, người Canada nói chung hiện nay cũng vay nợ nhiều hơn so với trước kia. Mức nợ trung bình của hộ gia đình ở nước này hiện đã lên tới 165% thu nhập khả dụng, theo số liệu của cơ quan thống kê Canada, cao hơn 30 điểm phần trăm so với trước suy thoái, và ngang với mức nợ ở Mỹ trước khi bong bóng địa ốc Mỹ vỡ tung.
Trong bối cảnh như vậy, đối với nhiều gia đình bình thường tại Canada thì việc mua nhà là điều khó khăn.
“Có thể sống thoải mái ở đây, miễn là anh độc thân và không có người phụ thuộc. Nói thật là tôi phải nghĩ kỹ về việc có nên lập gia đình hay không”, anh Scott McFadyen, một nhà thiết kế 38 tuổi ở Vancouver, chia sẻ.