Giá nhà đất Indonesia tăng mạnh là nguyên nhân khiến khách hàng quay lưng với cổ phiếu bất động sản. Trong năm nay, chỉ số xây dựng và bất động sản Jakarta đã giảm 5,8%, mức thấp nhất trong số 9 chỉ số được thống kê, Bloomberg cho hay.
Theo số liệu nghiên cứu của ngân hàng trung ương Indonesia, tại quốc gia này, giá nhà tại 14 thành phố lớn tính đến hết quý I/2017 đã tăng tới 58% so với một thập kỷ trước.
Kể từ năm 2012, tốc độ tăng trưởng giá nhà đã bỏ xa tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân của người dân Indonesia, các chuyên viên phân tích của ngân hàng Morgan Stanley đánh giá.
Giá nhà tại các thành phố lớn của Indonesia đã tăng 58% so với thời điểm cách
đây 10 năm.
Vào tháng 10/2016, ngân hàng trung ương Indonesia đã hạ mức lãi suất cho vay tiêu chuẩn 6 lần liên tiếp xuống còn 4,75%. Song, thực tế cho thấy, động thái này không kích thích sức mua tại các dự án của doanh nghiệp địa ốc đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.
“Giá nhà tại một số khu vực có dự án của các công ty đầu tư bất động sản đã niêm yết trên thị trường chứng khoán đang tăng cao hơn mức trung bình, thậm chí một số nơi tăng gấp đôi, khiến việc hạ lãi suất trở nên vô nghĩa", quản lý quỹ của công ty PT Sucorinvest Asset Management, ông Jemmy Paul cho biết.
Theo báo cáo của Colliers, giá bán trung bình của căn hộ tại Jakarta trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt 32.1 triệu ru-pi/m2 (1.210 USD/m2).
Giới chuyên gia phân tích nhận định, vấn đề lớn nhất của người mua nhà Indonesia hiện nay (nhất là thế hệ trẻ) là khả năng chi trả. Các chủ dự án bất động sản cần tìm cách thích ứng với thực tế này mới có thể bán được hàng. Hai nhà phân tích của Morgan Stanley là Mulya Chandra và Nico Yosman đã chỉ rõ trong một báo cáo công bố tháng trước, giá nhà vẫn tăng nhanh hơn 5 lần so với tiền lương. Một mái nhà vẫn là ước mơ vượt quá tầm tay đối với không ít người dân Indonesia khi mức lãi suất vay thế chấp trung bình khoảng 10-11%.