Theo CBRE, trước sự bất ổn của thị trường chứng khoán và tình hình kinh tế, trong quý I/2016, tổng lợi nhuận từ bất động sản thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương giảm 36% so với quý trước.
Cụ thể, theo CBRE thị trường bán lẻ Hong Kong ghi nhận mức giảm doanh số bán lẻ trầm trọng nhất kể từ năm 1999. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ tại Hong Kong đã giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái do lượng khách du lịch giảm mạnh và tâm lý thận trọng của người tiêu dùng nội địa.
Lợi nhuận bất động sản châu Á Thái Bình Dương giảm gần 40% trong quý I/2016
(ảnh minh họa, nguồn: internet)
Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, phần lớn nhu cầu thuê đến từ ngành hàng thời trang và dịch vụ ăn uống. Đa số các thị trường châu Á đều khá trầm lắng nhưng lượng thuê tại thị trường Thái Bình Dương vẫn ổn định. Giá thuê mặt bằng bán lẻ toàn thị trường giảm 0,8% so với quý trước do tăng trưởng thấp tại Nhật Bản và Thái Bình Dương. Giá trị nguồn vốn bán lẻ không thay đổi nhưng tiếp tục được điều chỉnh giảm tại Hong Kong và Singapore.
Lý giải sự sụt giảm này, tiến sĩ Henry Chin, Trưởng bộ phận nghiên cứu của CBRE châu Á Thái Bình Dương cho hay, những mối quan ngại về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng kém lạc quan đã tác động bất lợi đến thị trường bất động sản thương mại khu vực trong quý I/2016.
Có thể thấy, đa số các thị trường bán lẻ châu Á chịu tác động tiêu cực từ việc thay đổi tiêu dùng của khách du lịch và các mô hình du lịch, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc do mức chi tiêu của họ đang ảnh hưởng bởi việc đồng nhân dân tệ suy giảm.
Thêm vào đó, sự tăng giá đồng yên bắt đầu hướng khách du lịch chi tiêu tại Nhật Bản, đặt áp lực lên việc tăng trưởng doanh số bán lẻ. Trong quý I/2016, Tokyo ghi nhận việc thu hẹp quy mô mở rộng của các thương hiệu cao cấp sau đợt sụt giảm doanh số. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà bán lẻ mới tại thị trường Thái Bình Dương vẫn mạnh mẽ.
Nhiều nhà bán lẻ quốc tế vẫn quan niệm vị trí gắn với xu hướng giá trị. Nhiều khả năng trong các quý tới, nhà đầu tư sẽ tập trung lại vào các tài sản cốt lõi tại các khu vực mua sắm lớn.
"Trong môi trường thách thức như hiện nay, kinh nghiệm quản lý và kiến thức là yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư bán lẻ", ông Chin cho biết thêm.
Chuyên gia này cũng nhận định, dù hoạt động đầu tư có phần trầm lắng hơn nhưng nhiều nhà đầu tư tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến các loại hình tài sản cốt lõi tại các thị trường trọng điểm nhằm gia tăng ảnh hưởng của họ theo chiến lược đa dạng hóa.
Tại Australia và Nhật, lượng giao dịch có sự sụt giảm dù các nhà đầu tư quốc tế vẫn duy trì nhu cầu về tài sản cốt lõi ở mức cao. Giá tài sản cao tại Australia khiến các nhà quản lý quỹ trong nước ngần ngại mua tài sản, một số nhà quản lý quyết định bán các tài sản không cốt lõi để quay vòng vốn cho hoạt động đầu tư trong tương lai. Tại Nhật Bản, dù nhà đầu tư vẫn có nhu cầu mạnh mẽ nhưng nguồn cung lại hạn chế do có ít tài sản chất lượng tốt được chào bán, đặc biệt tại thị trường trọng điểm như Tokyo.