Đề xuất cho chủ đầu tư được phép cho khách hàng vay vốn mua nhà tại Malaysia đang vấp phải nhiều tranh cãi. Nhiều quan điểm cho rằng, hành động này dễ gây ra một cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn, trong khi đây là nơi mà gánh nặng nợ hộ gia đình còn ở mức cao của châu Á.
Một dự án khu dân cư ở Nusajaya, Iskandar Malaysia
Ngày 8/9 vừa qua, nội các Malaysia đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Nhà ở Noh Omar để xem xét và cải thiện các chính sách tài chính nhà ở. Theo đó, các vấn đề liên quan đến việc cho các nhà đầu tư BĐS được phép cho người mua nhà vay tiền đã được đề xuất.
Theo ông Noh Omar, cơ chế mới này sẽ có lợi cho cả nhà đầu tư và người mua nhà. Với chính sách này, người mua sẽ có thêm sự lựa chọn để vay vốn từ các doanh nghiệp BĐS với lãi suất dự báo có thể ở mức 18%.
Tuy nhiên, các ngân hàng, các nhà kinh tế đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ đề xuất này. Cũng theo các chuyên gia, điều này sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng tài chính của Malaysia, đồng thời tăng thêm gánh nặng vào nợ hộ gia đình của nước này khi mà hiện trạng này đang ở mức báo động.
Nazir Razak, Chủ tịch CIMB Group, cho biết, nhiều người cho vay và người đi vay dưới chuẩn không được kiểm soát sẽ dễ dàng tạo ra nguy cơ của một cuộc khủng hoảng nợ.
Thực tế, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xuất phát bởi việc cho vay dưới chuẩn – cung cấp các khoản vay đối với những người có lịch sử tín dụng xấu mà rủi ro tín dụng được bù đắp chủ yếu bằng lãi suất cho vay cao.
Tại Malaysia, có đến hàng trăm người dân buộc phải tính đến việc tự tích lũy tài chính trước khi mua nhà bởi tỷ lệ các ngân hàng từ chối cho vay mua nhà ở có mức cao gần kỷ lục.
Ngân hàng trung ương cho biết, tỷ lệ ngân hàng từ chối cho vay đối với mua BĐS của người dân cao đến 61,7% vào tháng 1/2016. Tháng 7, tỷ lệ từ chối là 57,3%.
Quốc gia này cũng có mức nợ hộ gia đình ở mức cao nhất châu Á khi con số này đạt đến 89%.
Trong bối cảnh nền kinh tế Malaysia đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm bởi sự suy yếu của giá dầu thì đề nghị chính sách tài chính mua nhà nói trên càng gây nhiều tranh cãi.
Một số ý kiến lại cho rằng, nếu đề xuất trên được chấp thuận và đưa vào thực hiện sẽ thúc đẩy thị trường BĐS Malaysia phát triển mạnh mẽ hơn bởi tài chính vẫn là mấu chốt quan trọng ảnh hưởng đến số lượng tồn kho của thị trường BĐS.
Theo thống kê của Hiệp hội phát triển nhà ở Malaysia (REHDA), trong nửa đầu năm nay, các nhà đầu tư tiêu thụ được 39% căn hộ trong tổng số căn rao bán trên thị trường, đã giảm 52% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Fateh Iskandar Mohamed Mansor, Chủ tịch REHDA cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ người mua nhà không có khả năng chuẩn bị tốt về tài chính để mua nhà.
Ông này cũng cho biết, các ngân hàng của Malaysia thường hỗ trợ người dân từ 75-80% vốn vay mua nhà. Nếu đề xuất nêu trên được áp dụng, các chủ đầu tư hoàn toàn có thể cung cấp tài chính phần còn lại cho khách hàng của mình.