Thị trường trái phiếu của Trung Quốc từ đầu tháng đến nay luôn ở trong tình trạng căng thẳng khi Chính phủ nước này đẩy mạnh chương trình điều tra chống tham nhũng trên diện rộng.
Kaisa Group Holdings Ltd. là tập đoàn lớn đầu tiên về bất động sản của Trung Quốc bị vỡ nợ do không đủ khả năng để trả được khoản nợ bằng USD. Và Trung Quốc đang lo lắng rằng, tình trạng vỡ nợ này có thể sẽ lan rộng.
Trung Quốc đang tiến hành làm một cuộc điều chỉnh kinh tế lớn.
Sàn chứng khoán Hồng Kông cho biết, thời điểm tập đoàn Kaisa rơi vào cảnh vỡ nợ cũng là lúc thời hạn gia hạn 30 ngày của khoản lãi 52 triệu USD quá hạn phát sinh từ trái phiếu niêm yết bằng USD.
Hiện Kaisa đang phải chật vật với công cuộc tìm kiếm nguồn tiền để trả số nợ lên đến 65 tỷ nhân dân tệ (10,5 tỷ USD). Các khoản nợ của Kaisa không chỉ có ở trong mà còn lan ra cả nước ngoài và cũng đang ở trung tâm của chiến dịch chống tham nhũng.
Khi chính phủ Trung Quốc ngừng cấp phép cho các dự án mới của Kaisa ở Thâm Quyến thì cũng là lúc tập đoàn này bắt đầu có vấn đề. Cùng với đó, công ty xây dựng này cũng bị tước quyền kinh doanh bất động sản vì có dính dáng đến cuộc điều tra ông Jiang Zunyu, Bí thư Ủy ban Chính trị và pháp lý Thâm Quyến với tội bòn rút công quỹ tại các dự án xây dựng có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
Kaisa cho biết, hiện tập đoàn này đang dốc sức để nhanh chóng hoàn thành, công bố các báo cáo về vấn đề tài chính kiểm toán trong năm 2014. Khi báo cáo về tài chính được công bố, đơn vị xây dựng này sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành chương trình tái cấu trúc nợ xấu.
Vào hồi tháng 3, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's cũng đã hạ bậc xếp hạng của Kaisa xuống "vỡ nợ". Theo Bloomberg, 800 triệu USD trái phiếu với lợi suất 8,875% do Kaisa phát hành đáo hạn vào tháng 3/2018 đã giảm xuống mức giá thấp nhất trong hơn 1 tháng.
Kaisa do Kwok Ying Shing thành lập từ hơn 15 năm trước. Đến ngày 31/12/2014, người sáng lập ra công ty bất động sản này đã tuyên bố từ chức vì điều kiện sức khỏe. Tập đoàn này đã bổ nhiệm Chủ tịch và giám đốc mới, được thể hiện trên tài liệu mà đơn vị này thông báo trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
Thực tế trên đã khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại rằng, một khi chương trình điều tra chống tham nhũng được mở rộng hơn thì nguy cơ các vụ vỡ nợ sẽ còn ảnh hưởng tới cả các chủ trái phiếu ở nước ngoài, một bộ phận đã mua lượng kỷ lục 21,3 tỷ USD trái phiếu phát hành bởi các công ty bất động sản Trung Quốc.
Chuyên gia đến từ quỹ Brandywine Global Investment Management LLC của Mỹ Gary Herbert nhận định, Trung Quốc đang tiến hành cuộc điều chỉnh kinh tế và đây mới chỉ là điểm khởi đầu của quá trình đó. Chắc chắn sẽ có không ít nhà đầu tư rơi vào sự thất vọng khi đi theo lời hứa hẹn về lợi suất cao trong thời gian tới.