Bản đồ huyện Bình Chánh và các thông tin quy hoạch hạ tầng, giao thông, đô thị huyện Bình Chánh đến năm 2030 thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi nơi đây hội tụ nhiều yếu tố thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bản đồ huyện Bình Chánh cùng các thông tin quy hoạch đến năm 2030 sẽ được Dothi.net cập nhật trong bài viết dưới đây. Những thông tin này sẽ hữu ích cho những ai đang có nhu cầu tìm hiểu, sinh sống, đầu tư tại Bình Chánh.
1. Tổng Quan Huyện Bình Chánh
Là một trong 5 huyện ngoại thành của TPHCM, Bình Chánh tọa lạc ở phía Tây Nam TP với diện tích rộng lớn 252,56 km2. Nơi đây có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung đông đúc dân cư và nhiều dự án bất động sản.
Vị Trí Địa Lý
Bản đồ huyện Bình Chánh cho thấy, huyện Bình Chánh nằm trải dài, bao bọc phía Tây và một phần phía Nam của khu vực nội thành TPHCM. Phạm vi ranh giới của huyện như sau:
-
Phía Bắc huyện Bình Chánh giáp huyện Hóc Môn, TPHCM
-
Phía Nam huyện Bình Chánh giáp huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An
-
Phía Đông huyện Bình Chánh giáp Quận 7 và huyện Nhà Bè với rạch Bà Lào, rạch Ông Lớn là ranh giới.
-
Phía Đông Bắc huyện Bình Chánh giáp quận Bình Tân và Quận 8, TPHCM
-
Phía Tây huyện Bình Chánh giáp huyện Bến Lức, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
|
Bản đồ huyện Bình Chánh, TPHCM |
Địa Hình - Khí Hậu
Địa hình huyện Bình Chánh thuộc kiểu địa hình đồng bằng tương đối bằng phẳng với độ dốc thấp. Trên địa bàn huyện có nhiều kênh rạch, nhất là ở các nhánh phía Tây Nam, phía Nam, tạo thành hệ thống giao thông thủy kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM. Bình Chánh thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, tính chất cận xích đạo với 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô trải dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nền nhiệt trung bình từ 26 - 27 độ C.
Diện Tích - Dân số
Huyện Bình Chánh có tổng diện tích 252,56 km2. Quy mô dân số theo số liệu thống kê năm 2019 là 705.508 người, mật độ dân số đạt 2.793 người/km2. Đây là đơn vị hành chính cấp huyện có dân số đông thứ 4 cả nước, sau TP. Biên Hòa và quận Bình Tân xét theo số liệu năm 2019.
Hành Chính
Theo bản đồ huyện Bình Chánh, huyện hiện có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Tân Túc (huyện lỵ) và 15 xã: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Quý Tây, Tân Nhựt, Tân Kiên, Quy Đức, Phong Phú, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Hưng Long, Đa Phước, Bình Lợi, Bình Hưng, Bình Chánh, An Phú Tây.
Giao Thông - Hạ Tầng
Với vị trí cửa ngõ phía Tây TP.HCM, huyện Bình Chánh có nhiều trục đường giao thông quan trọng chạy qua như: Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10 nối liền với khu công nghiệp Đức Hòa, tỉnh Long An; đường Nguyễn Văn Linh nối Quốc lộ 1A đến khu công nghiệp Nhà Bè và khu chế xuất Tân Thuận thuộc Quận 7; Quốc lộ 50 nối với các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, tỉnh Long An…
Mặt khác, trên địa bàn huyện còn có hệ thống kênh rạch, sông ngòi dày đặc - là điều kiện thuận lợi để phát triển các tuyến giao thông đường thủy như sông sông Chợ Đệm, Cần Giuộc, kênh Cầu An Hạ, kênh Ngang, rạch Bà Hom, rạch Tân Kiên,…
Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Bình Chánh đã và đang được đầu tư chú trọng. Nhiều khu đô thị, khu dân cư đã hình thành hoặc đang được đầu tư xây dựng làm thay đổi diện mạo huyện theo hướng hiện đại hóa. Có thể kể đến một số dự án khu đô thị, khu dân cư như: Khu dân cư Iconic, khu đô thị Investco Green City, Khu đô thị An Lạc Residence, Khu đô thị Đại Phúc Green Villas; Khu đô thị Dương Hồng Garden House; Khu đô thị Newlife Bình Chánh; Khu đô thị Việt Phú Garden;...
Đặc biệt, huyện Bình Chánh được định hướng phát triển thành TP trực thuộc TPHCM giai đoạn 2021 - 2025. Qua đối chiếu các tiêu chuẩn khi chuyển huyện thành quận hoặc thành phố, huyện Bình Chánh cùng với Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè đã đạt phần lớn tiêu chí. Trong đó, huyện Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí nhất với 26/30 tiêu chí. Huyện đề ra các chương trình đột phá gồm chương trình đột phá hạ tầng, đột phá đổi mới phát triển, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực…
|
Cơ sở hạ tầng là tiêu chí quan trọng trong quá trình huyện Bình Chánh phát triển lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM. |
Di Tích Lịch Sử - Kiến Trúc Nghệ Thuật
Huyện Bình Chánh bảo tồn, lưu giữ được nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật điển hình như Chùa Bát Bửu Phật Đài (chùa Phật Cô Đơn), đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, đình Tân Túc, đình Rạch Già tại xã Hưng Long, khu di tích dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu thân 1968 tại xã Vĩnh Lộc A, khu di tích Láng Le - Bàu Cò tại xã Tân Nhựt. Một số di tích kiến trúc nghệ thuật như đình Bình Trường tại xã Bình Chánh, Đình Phú Lạc tại xã Phong Phú, Nhà cổ tri huyện Phạm Văn Huynh tại xã An Phú Tây... thu hút du khách tham quan, tìm hiểu.
Giáo Dục
Hệ thống trường học các cấp tại huyện Bình Chánh từ mầm non, tiểu học đến THCS, THPT những năm gần đây được đầu tư chú trọng cả về chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh lẫn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Trường học các cấp đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của con em trên địa bàn.
Một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại huyện Bình Chánh:
STT |
Tên trường |
Địa chỉ |
1 |
Đại học Kinh tế TPHCM |
Khu chức năng số 15, Đô thị mới Nam thành phố, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM |
2 |
Đại học Văn Hiến |
Khu chức năng 13E, Nguyễn Văn Linh, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM |
3 |
Cao đẳng Kiến trúc - Xây dựng TPHCM |
Khu chức năng số 11, Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM |
4 |
Trung cấp nghề Trần Đại Nghĩa |
3A/77 Trần Văn Giàu, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM |
Y Tế
Huyện Bình Chánh đang tích cực hoàn thiện Cụm Y tế Tân Kiên để tiến lên thành phố. Cụm y tế kỹ thuật cao này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với các cơ sở y tế sau:
-
Bệnh viện Nhi đồng thành phố
-
Bệnh viện Truyền máu Huyết học cơ sở 2
-
Bệnh viện Tai Mũi Họng cơ sở 2
-
Bệnh viện Bình Dân cơ sở 2
-
Viện Tim thành phố cơ sở 2
-
Trung tâm Pháp y Thành phố cơ sở 2
-
Bệnh viện Ung bướu
-
Trung tâm Xét nghiệm y khoa Thành phố
-
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cơ sở 2
Giới chuyên gia nhận định, việc Bình Chánh sở hữu dự án y tế được hiện đại, mang tầm cỡ khu vực là tiền đề để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bất động sản Bình Chánh gần khu y tế, bệnh viện và các khu vực có công trình bệnh viện lớn được quy hoạch thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi tỷ suất sinh lời cao và ổn định. Các chủ đầu tư vì thế cũng tích cực triển khai nhiều dự án quanh khu vực này để đón đầu tiềm năng tăng giá.
2. Một Số Địa Điểm Du Lịch, Khám Phá Trên Bản Đồ Huyện Bình Chánh
Không chỉ có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, dân cư tập trung đông đúc, là cửa ngõ phía Tây của TPHCM, huyện Bình Chánh còn được biết đến bởi một số địa điểm du lịch, vui chơi, khám phá hấp dẫn du khách thập phương. Đến Bình Chánh, bạn có thể tham quan một số địa điểm sau:
Chùa Phật Cô Đơn - Bát Bửu Phật Đài
Tọa lạc tại số 22 đường Mai Bá Hương, Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Chùa Bát Bửu cách trung tâm TPHCM khoảng 30km về hướng Tây Nam. Đây là địa điểm thu hút đông đảo phật tử, du khách đến xin lễ, cầu nguyện, tham quan. Được xây dựng vào năm 1959, hoàn thiện năm 1961, chùa Phật Cô Đơn có kiến trúc hình chữ bát, cao 3m. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được vẻ nghiêm trang, cổ kính đặc trưng.
Khu Di Tích Lịch Sử Láng Le Bàu Cò
Khu di tích lịch sử Láng Le Bàu Cò tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM là nơi diễn ra cuộc chiến chống thực dân Pháp của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Khu di tích được xây dựng để tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc.
Cánh Đồng Hoa Bình Chánh
Nằm tại số A16/485 R8 đường Phong Phú, Ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM, cánh đồng hoa Bình Chánh là homestay nghỉ dưỡng đậm chất đồng quê dành cho những ai muốn tạm rời xa phố thị ồn ào, tìm chốn yên bình, nên thơ. Đến đây, bạn sẽ được thưởng thức vẻ đẹp của muôn loài hoa.
Khu Ẩm Thực Sinh Thái Bình Xuyên
Có địa chỉ tại C3/18 Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM, khu ẩm thực sinh thái Bình Xuyên sở hữu khung cảnh hữu tình với những ngôi nhà lá nằm quanh hồ. Dừng chân nơi đây, bạn sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát rượi và thưởng thức ẩm thực đa dạng, hấp dẫn.
Khu Du Lịch Sinh Thái Xuân Hương
Khu du lịch sinh thái Xuân Hương nằm gần ngã tư Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cách trung tâm TPHCM khoảng 30 phút di chuyển. Đây là khu du lịch sinh thái kết hợp với loại hình câu cá giải trí, ẩm thực đồng quê đậm chất Tây Nam Bộ.
3. Các Loại Bản Đồ Huyện Bình Chánh, TPHCM
Dưới đây là các loại bản đồ huyện Bình Chánh cập nhật mới nhất
Bản Đồ Hành Chính Huyện Bình Chánh
Bản đồ Bình Chánh cho thấy, huyện có tổng cộng 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Tân Túc (huyện lỵ) và 15 xã. Trong đó, xã Lê Minh Xuân có diện tích lớn nhất với 35,37km2, xã có diện tích nhỏ nhất là An Phú Tây với 5,86km2. Bình Chánh trước năm 1975 là một quận trực thuộc tỉnh Gia Định, sau năm 1975 được đổi thành huyện Bình Chánh trực thuộc TPHCM hiện nay.
|
Bản đồ hành chính các phường huyện Bình Chánh |
Bản Đồ Quy Hoạch Sử Dụng Đất Huyện Bình Chánh
Huyện Bình Chánh có tổng diện tích đất tự nhiên là 25.255,29 ha. Cơ cấu các loại đất như sau:
- Đất nông nghiệp 8.312,7 ha
- Đất phi nông nghiệp 16.942,59 ha, gồm:
-
Đất cơ sở hạ tầng 5.093,29 ha
-
Đất phát triển đất ở đô thị 2.163,9 ha
-
Đất phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh có diện tích 1.495,01 ha
-
Đất xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại 305,99 ha
|
Bản đồ Bình Chánh về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 |
Bản Đồ Quy Hoạch Bình Chánh
Huyện Bình Chánh chủ trương quy hoạch phát triển không gian đến năm 2030 về dân cư, không gian công cộng, công viên cây xanh, giao thông hạ tầng như sau:
- Về phân bố dân cư, huyện Bình Chánh được chia thành 5 phân khu
-
Khu 1: Gồm các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai
-
Khu 2: Gồm các xã Bình Lợi, Tân Nhựt, Lê Minh Xuân
-
Khu 3: Gồm thị trấn Tân Túc và các xã Bình Chánh, Tân Kiên
-
Khu 4: Gồm các xã Tân Quý Tây, Quy Đức, Hưng Long, An Phú Tây
-
Khu 5: Gồm các xã Phong Phú, Bình Hưng, Đa Phước
- Công trình công cộng
-
Trung tâm công cộng cấp huyện tại khu trung tâm thị trấn Tân Túc quy mô diện tích khoảng 40 - 60 ha, gồm công trình hành chính, dịch vụ, thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao.
-
Trung tâm công trình công cộng liên xã diện tích khoảng 20 - 30 ha mỗi trung tâm. Đây là điểm tựa phát triển khu dân cư, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn.
- Công trình công cộng cấp trung ương, thành phố
-
Trung tâm cấp khu vực thành phố về phía Tây quy mô dự kiến 200 ha, trong đó Khu tái định cư 43 ha.
-
Khu các bệnh viện cấp thành phố với quy mô dự kiến 54,76 ha và khu các bệnh viện chuyên khoa khác tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM.
-
Bệnh viện đa khoa khu vực Bình Chánh tại thị trấn Tân Túc, diện tích khoảng 11,34 ha.
-
Bệnh viện Tâm Thần tại xã Lê Minh Xuân, diện tích khoảng 3 ha.
-
Khu các công trình công cộng tại Khu đô thị mới Nam TPHCM, diện tích khoảng 146,6 ha.
-
Đại học Hùng Vương tại xã Tân Kiên, diện tích khoảng 16 ha.
-
Công trình công cộng - Lê Minh Xuân diện tích khoảng 29 ha.
-
Trung tâm thực nghiệm y học tại xã Phong Phú, diện tích khoảng 30 ha.
-
Khu đại học tại xã Hưng Long, diện tích trên 500 ha.
- Trường đua ngựa 69 ha và sân golf 70 ha tại Khu đô thị Sing - Việt.
- Công viên cây xanh - thể dục thể thao
Công viên cây xanh tập trung thuộc thành phố với diện tích 410 ha. Công viên cây xanh tập trung thuộc huyện diện tích 767,13 ha, chỉ tiêu bình quân đạt 9 m2/người. Trong đó, cây xanh công viên tập trung là 490,74 ha; cây xanh cảnh quan ven sông rạch quy mô diện tích 276,39 ha.
Đất cây xanh sử dụng công cộng được bổ sung thêm trong các đơn vị ở và nhóm nhà ở tại các dự án đầu tư phát triển mới. Tổ chức hệ thống cây xanh cách ly giữa khu dân cư với khu công nghiệp, khu nghĩa trang, hành lang hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
|
Bản đồ quy hoạch Bình Chánh |
- Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp
Đối với các khu công nghiệp hiện hữu, dự kiến đầu tư chiều sâu. Đồng thời, phát triển thêm một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung để thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Bình Chánh và TPHCM. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích khoảng 1.694 ha, gồm:
- Khu công nghiệp An Hạ 123,5 ha
- Khu công nghiệp Phong Phú 148,4 ha
- Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 800 ha
- Khu công nghiệp Vĩnh Lộc mở rộng 197,7 ha
- Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 156 ha
- Cụm công nghiệp Đa Phước 90 ha
- Cụm công nghiệp - Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn 89 ha
- Cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân 17 ha
- Cụm công nghiệp Trần Đại Nghĩa 50 ha
- Cụm công nghiệp Tân Túc 30 ha
- Cụm công nghiệp Quy Đức 70 ha
- Công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật
- Khu xử lý nước thải tại xã Bình Hưng 47 ha
- Khu xử lý nước thải tại xã Tân Nhựt 77,2 ha
- Khu hạ tầng kỹ thuật tại xã Đa Phước 613 ha. Trong đó, khoảng 300 ha là hành lang cây xanh cách ly.
- Các trạm điện, tuyến điện, trạm xử lý nước bẩn, trạm bơm tăng áp.
|
Bản đồ huyện Bình Chánh về định hướng phát triển không gian |
Bản Đồ Huyện Bình Chánh Về Quy Hoạch Giao Thông
Hạ tầng giao thông là yếu tố rất quan trọng trong quá trình huyện Bình Chánh phát triển lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện hiện đại và đồng bộ với đa dạng loại hình giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, phát triển kinh tế.
Đường bộ
- Đường Nguyễn Văn Linh lộ giới 120m là đường trục chính có vai trò cân bằng chức năng giao thông, không gian đô thị và kết nối mạng lưới giao thông liên khu vực.
- Cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, lộ giới 120m, là trục đường hướng tâm đảm bảo chức năng phục vụ giao thông tốc độ cao, liên tục kết nối giữa TPHCM với các tỉnh miền Tây.
- Quốc lộ 1A phía Tây lộ giới 120m, là trục hướng tâm TPHCM, dự kiến có quy mô 8 làn xe cơ giới, 4 làn xe tổng hợp.
- Quốc lộ 50 là trục hướng tâm TPHCM, dự kiến mở rộng 6 làn xe cơ giới, với lộ giới 40m.
- Đường Nguyễn Thị Tú sẽ được nâng cấp, mở rộng thành 6 làn xe, với lộ giới 40m.
- Đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10) là trục hướng tâm TPHCM, dự kiến mở rộng 6 làn xe cơ giới, lộ giới 40m.
- Đường Vành đai 3 là đoạn kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuyến đường đảm bảo kết nối giao thông liên tục, nhanh chóng, thuận lợi.
- Cao tốc liên vùng phía Nam (cao tốc Bến Lức – Long Thành) là trục đường Vành đai cao tốc bảo chức năng phục vụ giao thông với tốc độ cao, liên tục kết nối giữa TPHCM với các tỉnh miền Tây, Miền Đông.
- Đường mở mới Tây Bắc lộ giới 60m, là trục đường hướng tâm thành phố kết nối giao thông giữa TPHCM với tỉnh Long An. Dự kiến quy hoạch 8 làn xe cơ giới, 4 làn xe hỗn hợp.
Đường thủy
Theo Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2020, các tuyến sông, rạch có chức năng giao thông thủy, phân cấp hạng kỹ thuật như sau:
Sông Cần Giuộc cấp III; rạch Bà Lớn - rạch Chồm, rạch Bà Lào (Xà Tờn) – rạch Bà T - rạch Ngang, rạch Chiếu - cầu Bà Cả, rạch Tắc Bến Rô cấp VI.
Đường sắt
- Tuyến đường sắt quốc gia phía Tây TPHCM, đi qua TPHCM đến các tỉnh miền Tây. Tuyến từ ga Dĩ An - Sóng Thần đến ga Tân Kiên, qua huyện Bình Chánh theo hành lang đường nối cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, hành lang tuyến đường sắt thực hiện theo quy định. Ga Tân Kiên là ga hàng hóa chính TP, quy mô chiếm dụng đất dự kiến khoảng 51 ha.
- Tuyến đường sắt đô thị số 3a đi trong hành lang đường Kinh Dương Vương, Quốc lộ 1A kết nối Depot Tân Kiên có quy mô diện tích dự kiến khoảng 20 ha.
- Tuyến đường sắt đô thị số 5 đi trong hành lang lộ giới Quốc lộ 50 nối vào Depot Đa Phước.
- Tuyến xe điện số 2 đi trong hành lang lộ giới đường Nguyễn Văn Linh kết nối từ vị trí Depot nằm trên đường song hành Quốc lộ 50 đến quận 2. Dự kiến, quy mô Depot khoảng 5 ha.
|
Bản đồ giao thông huyện Bình Chánh |
Các nút giao thông chính
Huyện Bình Chánh chủ trương xây dựng, cải tạo khoảng 19 nút giao thông chính tại các vị trí giao cắt trục đường chính, cụ thể gồm các nút giao sau:
- Nút giao Quốc lộ 1A - Võ Văn Kiệt
- Nút giao Quốc lộ 1A - Kinh Dương Vương - Trần Đại Nghĩa
- Nút giao Quốc lộ 1A - cao tốc Bến Lức - Long Thành
- Nút giao Quốc lộ 1A - Nguyễn Văn Linh
- Nút giao Tân Tạo - Chợ Đệm - Trần Đại Nghĩa
- Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành - Quốc lộ 50
- Nút giao Tân Tạo - Chợ Đệm - Võ Văn Kiệt
- Nút giao Nguyễn Văn Linh - đường đô thị (Vành đai 1)
- Nút giao Nguyễn Văn Linh - đường Trịnh Quang Nghị
- Nút giao Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng
- Nút giao Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 50
- Nút giao Quốc lộ 50 - Trịnh Quang Nghị
- Nút giao Vành đai 3 - Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10)
- Nút giao Quốc lộ 50 - đường đô thị
- Nút giao Vành đai 3 - Trần Đại Nghĩa
- Nút giao Vành đai 3 - kênh Xáng Ngang
- Nút giao Vành đai 3 - đường mở mới Tây Bắc
- Nút giao Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú
- Nút giao đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10) - đường Thanh Niên.
Trên đây là các loại bản đồ huyện Bình Chánh và thông tin quy hoạch liên quan mà người mua nhà đất, căn hộ Bình Chánh để ở hoặc đầu tư cần biết. Qua đó, góp phần đưa ra quyết định mua bán, đầu tư bất động sản phù hợp.
Lam Giang (TH)