Dự án Luật thuế nhà, đất đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 12. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ và tại hội trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh Dự án Luật.
Dự án Luật thuế nhà, đất đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 12. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ và tại hội trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh Dự án Luật.
Trong dự thảo mới, Bộ Tài chính đưa ra 3 cách tính thuế đối với nhà ở. Cụ thể:
Phương án 1 là căn cứ tính thuế đối với nhà ở được xác định theo diện tích nhà ở chịu thuế, mức khởi điểm tính thuế đối với diện tích trên 200m2. Diện tích tính thuế đối với nhà ở là toàn bộ diện tích sàn xây dựng, kể cả diện tích công trình phụ, diện tích ban công kèm theo (nếu có) của một căn hộ chung cư hoặc nhà ở theo giấy chứng nhận (GCN), trường hợp chưa được cấp GCN thì diện tích nhà ở chịu thuế là diện tích thực tế xây dựng. Đối với nhà vừa để ở vừa để kinh doanh thì phần diện tích kinh doanh vẫn tính vào diện tích chịu thuế trong trường hợp không xác định riêng được phần diện tích phục vụ kinh doanh. Đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà ở thì diện tích chịu thuế là tổng diện tích các nhà ở chịu thuế.
Phương án 2 là căn cứ tính thuế đối với nhà ở được xác định dựa trên giá tính thuế đối với nhà ở. Mức khởi điểm tính thuế đối với nhà ở là 1 tỷ đồng. Giá tính thuế đối với nhà ở được xác định bằng diện tích nhà ở chịu thuế nhân với giá tính thuế của 1m2 nhà ở. Trong đó, diện tích nhà ở chịu thuế là toàn bộ diện tích sàn xây dựng (kể cả diện tích công trình phụ, diện tích ban công kèm theo nếu có) của một căn hộ chung cư hoặc nhà ở theo GCN, trường hợp chưa được cấp GCN thì diện tích nhà ở chịu thuế là diện tích thực tế xây dựng; Giá tính thuế của 1m2 nhà ở được xác định bằng 50% trên đơn giá 1m2 nhà ở xây dựng mới của nhà ở cùng loại (kể cả trường hợp sử dụng nhà ở để cho thuê hoặc kinh doanh) do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định (theo đó, nhà ở có giá xây dựng trên 2 tỷ đồng mới thuộc diện chịu thuế). Đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà ở thì diện tích chịu thuế là tổng diện tích các nhà ở chịu thuế.
Phương án 3: Chỉ thu thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi, tức là chỉ áp dụng việc thu thuế nhà ở đối với trường hợp sở hữu từ căn nhà thứ 2 trở đi. Việc xác định diện tích chịu thuế đối với trường hợp sở hữu từ căn nhà thứ 2 trở đi được quy định như sau: Diện tích tính thuế đối với nhà ở là toàn bộ diện tích sàn xây dựng, kể cả diện tích công trình phụ, diện tích ban công kèm theo (nếu có) của một căn hộ chung cư hoặc nhà ở theo GCN, trường hợp chưa được cấp GCN thì diện tích nhà ở chịu thuế là diện tích thực tế xây dựng. Đối với nhà vừa để ở vừa để kinh doanh thì phần diện tích kinh doanh vẫn tính vào diện tích chịu thuế trong trường hợp không xác định riêng được phần diện tích phục vụ kinh doanh. Đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà ở thì diện tích chịu thuế là tổng diện tích các nhà ở chịu thuế tính từ căn nhà thứ 2 trở đi.
Về giá tính thuế đối với đất, được xác định bằng diện tích đất chịu thuế nhân với giá của 1m2 đất. Diện tích đất chịu thuế là diện tích đất ghi trong GCN, trường hợp chưa được cấp GCN thì diện tích đất chịu thuế là diện tích đất thực tế đang sử dụng. Trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở thì diện tích chịu thuế đối với đất là tổng diện tích các thửa đất ở chịu thuế. Giá của 1m2 đất chịu thuế là giá đất theo mục đích sử dụng đất do UBND, TP trực thuộc Trung ương quy định. Trường hợp đã có GCN (kể cả trường hợp sử dụng đúng mục đích hoặc không đúng mục đích trên GCN) thì giá của 1m2 đất chịu thuế là giá đất theo mục đích sử dụng được ghi trong GCN. Trường hợp chưa được cấp GCN thì giá của 1m2 đất chịu thuế là giá đất theo mục đích đang sử dụng...
(Theo CAND)