Thời gian qua, Bộ TNMT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá những điểm bất hợp lý và công đoạn chưa phù hợp nhằm hoàn thiện hơn quy trình giải quyết thủ tục đất đai.
Bộ thủ tục hành chính (TTHC) đất đai vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) công bố được thiết kế theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện cũng như bãi bỏ một số TTHC không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát việc thực hiện của cơ quan hành chính.
Thời gian qua, triển khai Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT đã rà soát và công bố trên cơ sở dữ liệu TTHC quốc gia và trên Website của Bộ 85 TTHC trong lĩnh vực đất đai để các địa phương triển khai thực hiện thống nhất.
Trên cơ sở các TTHC đã được công bố, Bộ TNMT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát đánh giá quy trình tổng thể các công việc cần triển khai trong quá trình giải quyết thủ tục; các cơ quan tham gia vào giải quyết trong từng công đoạn, phát hiện những điểm bất hợp lý và công đoạn chưa phù hợp trong quy trình có thể đơn giản hóa trên cơ sở áp dụng những biện pháp như: Thụ lý kết hợp, giải quyết song song, phân tích sự cần thiết của từng công đoạn, phân tích đầu mối tiếp xúc (số cửa, số dấu mà người thực hiện thủ tục phải thực hiện), thời gian thực hiện từng công đoạn của thủ tục.
Theo đó, Bộ đã công bố 71 thủ tục liên quan đến đất đai (giảm 14 thủ tục) theo hướng bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch từng bước tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện thủ tục; tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực hiện thủ tục tại các cơ quan hành chính.
14 thủ tục liên quan đến đất đai được giảm tải.
Đất đai là tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia, tham gia vào hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các quy định về TTHC trong lĩnh vực đất đai có tác động trực tiếp hoặc liên quan rất nhiều đến các quan hệ về kinh tế, xã hội, tác động đến hầu hết người dân và doanh nghiệp.
Do vậy, việc cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai là cần thiết và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT, các Bộ, ngành hết sức quan tâm ngay từ quá trình xây dựng văn bản.
Để bảo đảm thuận lợi cho công tác cải cách TTHC về đất đai, Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định nguyên tắc chung về các loại TTHC về đất đai, nội dung và hình thức công khai TTHC về đất đai. Còn các thủ tục cụ thể giao Chính phủ, các Bộ, ngành quy định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn.
Các văn bản dưới Luật đã quy định cải cách một bước TTHC về đất đai theo hướng loại bỏ các thủ tục không cần thiết, lồng ghép các TTHC về đầu tư, xây dựng, tài chính. Đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy định cụ thể việc cung cấp thông tin và luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục.
Các công đoạn trong thủ tục cấp Giấy chứng nhận được giảm tải
Theo đó, về số lượng thủ tục, tổng số TTHC về đất đai là 41 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 30 thủ tục so với bộ thủ tục đã công bố trước đây); 62 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 9 thủ tục so với bộ thủ tục đã công bố trước đây).
Đã rà soát, bãi bỏ một số thủ tục hoặc công việc không cần thiết trong giao đất, cho thuê đất và đăng ký, cấp giấy chứng nhận (GCN) theo hướng bãi bỏ một số công việc thuộc thẩm quyền của cấp xã trước đây như xác nhận tình trạng tranh chấp đối với trường hợp đăng ký, cấp GCN mà người sử dụng có giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (đây là nội dung gây nhiều ách tắc nhất trong quá trình cấp GCN trước đây); lập phương án giao đất ở, lập Hội đồng tư vấn giao đất của xã trong trường hợp giao đất cho hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn.
Về nơi nộp hồ sơ và trả kết quả, đã quy định cụ thể nơi nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện TTHC về đất đai đối với từng loại thủ tục.
Thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa theo quy định; việc trả kết quả giải quyết TTHC không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết, trừ thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, các tổ chức sử dụng đất được nộp hồ sơ tại các chi nhánh nơi gần nhất (địa phương chưa có Văn phòng đăng ký một cấp, tổ chức phải nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường). Quy định này giúp tiết kiệm chi phí đi lại trong quá trình thực hiện thủ tục.
Rút ngắn thời gian thực hiện tất cả các TTHC
Thời gian thực hiện thủ tục giảm so với quy định trước đây đối với tất cả các thủ tục.
Trong đó, đáng chú ý, đối với thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển KTXH vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thực hiện thu hồi đất trước khi hết thời hạn thông báo thu hồi đất (trước 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp) nếu người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý.
Bổ sung quy định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc trong trường hợp người sử dụng đất không hợp tác để đảm bảo thời gian kiểm đếm. Bỏ quy định về xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cho phép ủy quyền thu hồi. Quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện trong cùng một ngày.
Bổ sung mới quy định thời gian chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi (30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất). Thủ tục đăng ký, cấp GCN giảm thời gian thực hiện 5 - 25 ngày so với trước đây.
Ở một số địa phương, thí điểm mô hình đăng ký quyền sử dụng đất thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp GCN giảm 1/3 đến 1/2 thời gian so với trước đây.
Quy định giao dịch điện tử, đăng ký điện tử cụ thể hơn
Về hồ sơ thực hiện thủ tục, quy định giảm số bộ hồ sơ phải nộp, bỏ một số loại giấy tờ phải nộp trong thành phần các loại hồ sơ, bổ sung quy định về hồ sơ thủ tục đăng ký lập dạng số đối với địa phương đã triển khai thực hiện đăng ký điện tử.
Bổ sung quy định giao dịch điện tử, đăng ký điện tử để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trong điều kiện công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển; quy định cụ thể việc cung cấp thông tin, luân chuyển hồ sơ giữa Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế và Kho bạc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Mặt khác, nhằm bảo đảm thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đối với đất đai, rút ngắn thời gian thực hiện dự án đầu tư, Luật Đất đai lần này quy định theo hướng chủ yếu thực hiện cơ chế nhà nước chủ động tạo quỹ đất sạch; quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế để nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Bộ TNMT đã công bố bộ TTHC trong lĩnh vực đất đai (Quyết định số 1839/QĐ-BTNMT ngày 27/8/2014), các địa phương trên cơ sở đó phải khẩn trương rà soát và công bố trong tháng 9 các TTHC thực hiện trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các TTHC ngày càng đơn giản hóa
Để tiếp tục cải cách TTHC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp về cải cách TTHC theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 43/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm bảo đảm tăng cường khả năng tiếp cận, giảm thiểu tối đa chi phí cho các nhà đầu tư trong việc tuân thủ TTHC.
Bộ sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý đất đai theo hướng cải cách, đơn giản hóa các TTHC, liên thông trong quá trình thực hiện, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định về TTHC về đất đai tại các địa phương; xử lý nghiêm và kịp thời các cơ quan, tổ chức quy định thêm thủ tục, hồ sơ, không thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính.
Thiết lập hệ thống tiếp nhận đánh giá của nhân dân và doanh nghiệp đối với đội ngũ cán bộ thực hiện thủ tục. Tăng cường, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành tài nguyên và môi trường.
Tập trung và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa mục tiêu, tạo điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử và tin học hóa trong việc thực hiện TTHC về đất đai.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành việc kiện toàn và tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất một cấp trước ngày 1/1/2015.
Xây dựng, ban hành văn bản về quy trình liên thông giải quyết các TTHC trong hình thành và thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất theo hướng thực hiện tối đa cơ chế một cửa liên thông, giảm bớt thời gian thực hiện cho nhà đầu tư; thực hiện việc kế thừa kết quả giải quyết TTHC.
Cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai là nhiệm vụ quan trọng, có tác động trực tiếp đến cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai cũng như yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; ngăn ngừa kẽ hở, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai.