Cái chết thương tâm của cậu học sinh lớp 8 vì hở điện ở cột đèn chiếu sáng tại TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người dân Hà Nội không chỉ bất bình, mà còn lo sợ “tai ương” điện giật. Bởi cuối năm 2008 sự việc tương tự ở Hà Nội đã làm một sinh viên thiệt mạng.
Cái chết thương tâm của cậu học sinh lớp 8 vì hở điện ở cột đèn chiếu sáng tại TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người dân Hà Nội không chỉ bất bình, mà còn lo sợ “tai ương” điện giật. Bởi cuối năm 2008 sự việc tương tự ở Hà Nội đã làm một sinh viên thiệt mạng.
Điều đáng lo là hiện Thủ đô vẫn “chìm” trong “mạng nhện” điện, một số tuyến phố khác đã hạ ngầm xong thì lại thêm nỗi lo... ngập tủ điện.
Rình rập muôn nơi…
Ở Hà Nội, việc tìm “mạng nhện” cáp, dây điện vô cùng đơn giản. Trên các phố Lê Trọng Tấn, Xuân Thủy, đường Láng, Trường Chinh, đê La Thành, Đội Cấn, đường Bưởi, Núi Trúc, Kim Mã, Giải Phóng... dây cáp còn được cho “hạ cánh” trên cả cành cây hoặc búi thành những “thòng lọng” lơ lửng trên không. Chỉ cần một đường cáp bị bén lửa hoặc bị chập điện là có thể kéo theo toàn bộ hệ thống dây chằng chịt xung quanh bị chập cháy, gây nguy hiểm cho khu dân cư.
Tại phố Núi Trúc, các loại dây chằng chịt ngay trên vỉa hè, lòng thòng quanh cột điện và tủ điện. Chính việc hạ ngầm nửa chừng này đã làm xuất hiện cảnh những bó dây lòe xòe ở ngay dưới chân tủ điện, để lộ hẳn điểm chôn cáp. Trong khi đó, tại bến xe buýt Kim Mã những bó dây điện thì lại nằm ngay sát với điểm chờ xe búyt của người dân với hàng trăm lượt người đón chờ xe buýt mỗi ngày, mà không hề biết nguy hiểm đang rình rập đến tính mạng.
Không kém phần nguy hiểm, ngay tại con phố đông đúc người qua lại như ngã ba Nguyễn Thái Học - Văn Miếu thì cột đèn đường bị mất nắp đậy kỹ thuật cũng “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tại chân cầu vượt Ngã Tư Sở, cột đèn đường hở cả mấu nối dây điện bên trong cũng không được cơ quan chức năng ngó ngàng, sửa chữa.
Tại phố Hai Bà Trưng, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm... những búi “rác trời” đã được ngầm hóa xuống dưới lòng đất. Những chiếc tủ điện ở các tuyến phố đã được ngầm hóa này hoàn toàn kín và được đặt trên một trụ bằng bê tông nên trông bề ngoài an toàn hơn nhiều so với tủ điện ở các tuyến phố khác. Nhưng vỏ hộp tủ được làm bằng sắt mạ, chỉ được sơn tĩnh điện chứ không có sơn cách điện, phía trong có hàng kẹp đấu dây. Chỉ cần xảy ra trận mưa lịch sử như hồi năm ngoái, nước ngập đến hàng kẹp đấu dây (bộ phận này hở) thì lập tức điện sẽ truyền qua nước ra vỏ tủ. Người đi vào khu vực đó chắc chắn sẽ bị điện giật, nguy cơ tử vong rất cao.
Automat không phù hợp, chết người như chơi!
Tuy nhiên, ngay trên các tủ điện này thường có những dòng chữ rợn người như “cấm sờ, có điện, nguy hiểm chết người” khiến nhiều người càng hoang mang về việc điện bị rò qua các tủ sắt này.
Trao đổi với PV ngày 6/9, Phó Giám đốc Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Những dòng chữ đó là để tránh trẻ em không nghịch ngợm và hạn chế những hành động làm mất vệ sinh. Còn những chiếc tủ điện bao giờ cũng phải đảm bảo chất lượng về dây dẫn, độ cách điện của tủ... Đảm bảo đủ an toàn trong điều kiện độ ẩm khí hậu của ta hiện nay”.
Cũng theo khẳng định của Điện lực Hà Nội, trong trường hợp đầu dây nối trong tủ bị hở điện thì cũng không thể truyền điện ra ngoài vỏ tủ được vì trong tủ khoảng cách giữa các đấu mối dây với tủ được thiết kế an toàn ở một vị trí nhất định. Tuy nhiên, trong trường hợp mưa ngập cả hệ thống tủ thì rất nguy hiểm, vì trong tủ có hệ thống kẹp đấu dây hở, nước ngập đến đầu dây hở này đương nhiên sẽ dẫn đến truyền điện ra ngoài.
“Các tủ điện được đặt trên một trụ bê tông chính là phòng đến trường hợp này. Chỉ cần nước ngập đến hết trụ bê tông là sẽ chủ động ngắt điện ở tủ đó”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh. Hơn nữa, trong mỗi chiếc tủ điện bao giờ cũng có hệ thống automat, bản thân hệ thống này sẽ tự ngắt điện cho chính chiếc tủ đó nếu xảy ra sự cố hoặc bị ngập nước.
Tuy nhiên, theo một số kỹ sư trong ngành điện, nếu tủ điện nào được lắp loại automat không phù hợp thông số thì automat sẽ không tự ngắt, dẫn đến truyền điện ra vỏ tủ và khu vực xung quanh vùng nước ngập, gây nguy hiểm cho những người đi lại vùng đó.
(Theo GĐXH)