Theo khảo sát mới đây, cả nước có hơn 1.700 dự án đô thị không được triển khai, trong khi thị trường nhà ở giá thấp vẫn chưa đáp ứng cho nhu cầu trên 60% dân lao động vốn chỉ thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng.
Tại Hội thảo “Đô thị Hà Nội, 60 năm xây dựng và phát triển 1954 – 2014”, TS.Nguyễn Minh Phong đã đưa ra con số thống kê đáng chú ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đến năm 2013, cả nước có 8.955 dự án quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực ở cấp trung ương lẫn địa phương, với kinh phí lập hơn 6.720 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, tới năm 2020, cả nước sẽ có 19.285 quy hoạch được lập, với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, quy hoạch của xây dựng và đô thị chiếm 63%, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chiếm 22%, quy hoạch sử dụng đất chiếm 15%.
Nhiều dự án ở Hà Nội nhiều năm vẫn chưa được thực hiện. (Ảnh minh họa)
Điều đáng buồn ở đây là, nhiều quy hoạch sau khi phê duyệt đã không được thực hiện, hoặc triển khai thực hiện không đúng quy hoạch song vẫn không bị kiểm tra, giám sát, xử lý và cũng không có đánh giá quy hoạch sau khi hết kỳ quy hoạch.
Nước ta đã có quá nhiều điều luật kềnh cang liên quan đến quy hoạch, cụ thể: 51 văn bản luật và 7 pháp lệnh của Quốc hội; 56 văn bản nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành; 25 nghị định với hệ thống các thông tư, quyết định của Trung ương, địa phương liên quan điều chỉnh hoạt động quy hoạch, nhưng thực tế nước ta vẫn thiếu bộ Luật quy hoạch tạo khung pháp lý phát triển lãnh thổ quốc gia và điều hành các loại hình quy hoạch.
Số lượng quy hoạch được lập nên ngày một nhiều nhưng lại thiếu sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch trên một lãnh thổ. Thậm chí còn thiếu sự thống nhất giữa các trình tự, phạm vi và nội dung quy hoạch; thiếu sự liên kết, phối hợp trong liên ngành dẫn tới việc chồng lấn, mâu thuẫn giữa các quy hoạch tổng thể vùng - tỉnh, vùng - ngành, các quy hoạch ngành với nhau và ngay trong cùng một ngành.
Đáng lo hơn cả là nhiều khi quy hoạch không gắn liền với thực tế mà chỉ là sự thể hiện của lãnh đạo và gắn với tư duy nhiệm kỳ, ý chí lãnh đạo, chồng chéo, thiếu cả cơ sở khoa học, lẫn tầm nhìn dài hạn và chưa gắn kết chặt chẽ phát triển vùng, miền với địa phương.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các dự án theo quy hoạch cả giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 5.900 - 6.100 nghìn tỷ đồng, tính theo giá thực tế thì con số này vào khoảng 9.500 - 9.700 nghìn tỷ đồng. Nếu giữ tỷ lệ đầu tư vào phát triển hạ tầng như hiện nay, thì trong 10 năm, tổng mức đầu tư chỉ là 5.300 - 5.350 nghìn tỷ đồng tính theo giá thực tế. Con số đó mới đáp ứng được 50% nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch…
Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã và sẽ tiếp tục thông qua hàng loạt quy hoạch phát triển đủ loại cấp độ, ngành, lĩnh vực. Dù bỏ qua nhiều ý kiến trái chiều vẫn tồn tại bấy lâu nay phàn nàn về một số hạn chế và bất cập trong chất lượng một số quy hoạch phát triển thủ đô, thì vẫn có thể khẳng định rằng nhu cầu vốn và nguy cơ mất cân đối vốn đầu tư nói chung, vốn triển khai các quy hoạch phát triển nói riêng trên địa bàn Thủ đô là có thật và không dễ tìm lời giải tối ưu…