Sáng ngày 2/7 vừa qua, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội đã cho ý kiến đối với tờ trình điều chỉnh địa giới hành chính 3 quận gồm Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy.
Theo đề xuất nêu trong tờ trình của UBND TP. Hà Nội, toàn bộ diện tích của 8 tổ dân phố (tổ 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) khu vực Bắc Nghĩa Tân đang thuộc địa giới hành chính phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm) sẽ chuyển về phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy). Khu vực đề nghị điều chỉnh có quy mô dân số trên 6.000 người, diện tích hơn 10 ha.
|
Hình ảnh một góc địa giới hành chính quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nhìn từ trên cao.
(Ảnh: Giang Huy) |
Cùng với đó, toàn bộ diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28 (Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) cũng được chính quyền TP đề nghị chuyển về địa giới hành chính phường Mai Dịch (Cầu Giấy). Diện tích khu vực đề xuất điều chỉnh hơn 1,8 ha; quy mô dân số trên 700 người.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế HĐND TP. Hà Nội cho biết, hồ sơ điều chỉnh địa giới hành chính 3 quận đã đủ điều kiện và sẽ được trình tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội sắp tới (từ ngày 8/7-10/7/2019).
Theo ông Nam: "Ba quận trên đều được hình thành trên đất của huyện Từ Liêm cũ. Trong quá trình phát triển, chia tách và thành lập mới các đơn vị hành chính đã nảy sinh một số bất cập trong công tác quản lý nên cần phải điều chỉnh".
Các nội dung trên sau khi được HĐND TP. Hà Nội nhất trí sẽ báo cáo lên Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua theo đúng quy trình.
Hiện tại, Thủ đô Hà Nội có 17 huyện, 12 quận, 177 phường, 1 thị xã, 21 thị trấn và 386 xã.
TP. Hà Nội kiến nghị chưa sáp nhập 21 xã, phường
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường xã, huyện quận vừa được Hà Nội báo cáo Chính phủ. Thành phố theo quy định có 21 xã, phường phải sáp nhập do thiếu chuẩn (quy mô diện tích cấp phường từ 5,5km2 trở lên; dân số từ 15.000 người trở lên). Vậy nhưng, TP đề xuất chưa sáp nhập từ nay tới năm 2021 nhằm giữ ổn định đơn vị hành chính cấp xã do đang triển khai đề án chính quyền đô thị. Hà Nội cũng đang trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hóa rất cao, bình quân tăng khoảng 200.000 người/năm (2,5% dân số).
|