Có lúc trấu trôi đặc sệt cả nước kênh. Nước chuyển sang màu đen, hôi thối do bã trấu bị phân hủy lâu ngày từ đáy kênh nổi. Cá thì chết, người dân thì ghẻ lở. Vậy mà các nhà máy xay xát tiếp tục tuồn trấu xuống sông.
Có lúc trấu trôi đặc sệt cả nước kênh. Nước chuyển sang màu đen, hôi thối do bã trấu bị phân hủy lâu ngày từ đáy kênh nổi. Cá thì chết, người dân thì ghẻ lở. Vậy mà các nhà máy xay xát tiếp tục tuồn trấu xuống sông.
Đến cầu Rạch Tra thuộc xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ), một nhà máy xay xát quy mô nhỏ nằm ngay góc vàm đang chạy xình xịch, trấu được dẫn theo một đường ống phun ra bồ trấu phía bên kia con kênh. Đống trấu cao ngất không thể trữ được nữa nên chảy xuống vàng cả con kênh ngay bên cạnh. Cách nhà máy vài chục mét, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh đang cố lùa bã trấu ra xa để giặt quần áo. “Cả con kênh này vàng xác trấu. Tắm giặt rất khó khăn, ngứa ngáy, ghẻ lở chịu không nổi”, bà than.
Tại trung tâm thị trấn Thới Lai (huyện Cờ Đỏ), ngay ngã ba kênh xáng Ô Môn, trấu cũng nổi vàng trên mặt nước. Anh Hồng Minh, một người dân nơi đây, cho biết hầu hết nhà máy xay xát lớn nhỏ tập trung tại đoạn kênh này và khoảng hơn một năm qua trấu đã bị các chủ nhà máy tuồn xuống kênh để giải phóng kho bãi.
Đoạn sông Hậu tại Châu Phong (Tân Châu, An Giang) ngày đêm vỏ trấu trôi dập dềnh. Chỉ những lớp vỏ trấu bị sóng xô dạt vào bờ lâu ngày đọng thành đụn dày dọc triền sông, ông Nguyễn Hoài Cư, lãnh đạo ấp Vĩnh Lợi 1, nói: “Dưới đáy sông cũng đọng thành lớp. Nước bơm lên dùng thường lẫn vỏ trấu, có mùi hôi, xuống sông tắm giặt thì bị ngứa không chịu nổi. Cả tháng nay rồi, ai nấy đều than trời”.
Vỏ trấu còn đụn từng lớp dày quanh các bè nuôi cá. Nhiều bè đang vớt cá chết, bà con bảo lớp trấu lấp đầy mặt nước gây tình trạng thiếu oxy nên cá bị chết nhiều. Trong bụng cá cũng chứa nhiều vỏ trấu! Làng bè hoang mang, người nuôi đành dùng lưới mắt nhỏ bao quanh bè nhằm ngăn chặn vỏ trấu xâm nhập. Họ thở dài: “Cực chẳng đã phải làm vậy, chứ con cá trong bè sống khỏe nhờ có nước chảy, bao lưới lại dòng chảy không còn, thiếu dưỡng khí cá dễ bị sốc”.
Chị Ôn Thị Mỹ Luông, Chủ Nhà máy xay lúa Thành Lợi 2, thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, cho biết, chưa bao giờ các nhà máy xay xát lại rơi vào hoàn cảnh khó xử như lúc này, có thể phải ngừng hoạt động. Trấu thì đầy bồ, đầy kho, nhưng không thể nào giải phóng để nhà máy hoạt động tiếp. Trước đây, thương lái đến mua mỗi ghe trấu từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Bây giờ cho không họ cũng không lấy, buộc phải mướn họ lại chở đi mỗi ghe cả triệu đồng.
Những nhà máy lớn còn vậy, những nhà máy nhỏ hơn thì giải pháp trả tiền thuê chở trấu là không khả thi vì quá tốn kém. Vì thế biện pháp hữu hiệu nhất là tuồn thẳng trấu xuống sông. “100% các nhà máy ở đây đều ít nhiều có đổ trấu xuống sông để giải phóng kho trấu đã quá đầy”, ông Nguyễn Minh Hùng, phó chủ tịch UBND thị trấn Thới Lai, cho biết.
Người dân phản ảnh với xã, xã không giải quyết nên tiếp tục gửi đơn cầu cứu nhiều nơi. Giữa tháng 3/2006, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Châu (An Giang) đi kiểm tra phát hiện 14 cơ sở thải trấu ra sông nhưng chỉ nhắc nhở. Đến 28/3, huyện Tân Châu tổ chức cuộc họp gồm có Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và môi trường và một số ngành liên quan để bàn về giải pháp khắc phục, sau đó giao cho hai xã Tân An, Long An tăng cường kiểm tra, xử lý. Thế nhưng từ đó đến nay ngày đêm vỏ trấu vẫn cứ vô tư tuôn đổ ra sông.
Còn tại huyện Cờ Đỏ, ông Trần Ái Việt, Trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện, cho biết, khoảng 27 nhà máy trên địa bàn thải ra khoảng 50.000 tấn trấu mỗi năm. Lượng trấu lớn như thế không có nơi tiêu thụ. "Phạt hành chính lại không đủ tính răn đe, biện pháp hỗ trợ từ phía chính quyền thì chưa có nên chúng tôi chỉ biết thường xuyên kiểm tra nhắc nhở và yêu cầu các nhà máy làm cam kết không đổ trấu xuống sông. Mới đây có một đoàn khảo sát chuyện tận dụng trấu làm thành ván ép. Đây là một tín hiệu mừng, nhưng cũng chỉ dừng lại ở... khảo sát”, ông Việt nói.
Cách đây không lâu, UBND thành phố Cần Thơ có bàn chuyện xây nhà máy phát điện chạy bằng trấu để tận dụng nguồn trấu khổng lồ trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng đến nay dự án này vẫn còn trên giấy.
(Theo Tuổi Trẻ)