Bất cập này không chỉ gây khó khăn cá nhân có bất động sản thế chấp tại các ngân hàng mà còn cho cả quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng.
Đóng thuế 2% trên giá bán
Đầu năm 2017, tài sản của bà N.T.H (tỉnh Bình Dương) bị cơ quan thi hành án phát mãi với tổng số tiền hơn 4,5 tỉ đồng nhằm trả vốn và lãi vay cho ngân hàng (NH). Bảng kê phân phối tiền bán tài sản thi hành án cho thấy, bà N.T.H phải nộp 2% tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên tổng giá trị tài sản, tương đương 92,6 triệu đồng.
Quy định cá nhân bị phát mãi tài sản phải thực hiện nghĩa vụ thuế trước khi trả nợ vay đã khiến quá trình xử lý nợ gặp không ít khó khăn. Ở thời điểm phát mãi, đa số các khoản nợ của cá nhân đều có tổng gốc và lãi cao hơn cả giá trị tài sản đảm bảo. Điều này có nghĩa là số tiền thu vẫn chưa đủ để trả nợ cho NH. Khi người vay đã mất khả năng trả nợ thì rất khó bắt họ bỏ tiền ra để đóng thuế TNCN. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, để làm thủ tục sang tên sổ đỏ cho người mua thì cá nhân phải đóng thuế TNCN 2% . Điều này khiến cho quy trình phát mãi bị tắc. Còn trong trường hợp NH đứng ra phát mãi thì việc xử lý khoản thuế TNCN lại càng lúng túng vì không biết ai sẽ đóng.
|
Một căn nhà bị phát mãi ở quận 1, Tp.HCM, vào năm 2012 |
Theo ý kiến của Tổng giám đốc một NH có trụ sở tại Tp.HCM, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu mới được ban hành đã thay đổi quy trình giải quyết thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo theo hướng trả nợ cho các tổ chức tín dụng trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể thực hiện nghĩa vụ thuế nên tắc vẫn hoàn tắc.
Chỉ tính thuế sau khi đã cấn trừ nợ
Theo TS Dương Kim Thế Nguyên, Trưởng bộ môn luật và phát triển - Khoa Luật của Trường đại học Kinh tế Tp.HCM, chỉ nên thu thuế TNCN khi cá nhân thật sự có thu nhập. Vì thế, thuế TNCN nên được xác định trên giá trị số tiền sau khi đã trừ nợ NH, bởi đây mới là khoản thu nhập thật sự… Cần miễn thuế TNCN trong trường hợp khoản nợ lớn hơn giá trị tài sản đảm bảo. Đồng thời, cần xóa nợ thuế đối với các trường hợp đã tính thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý nợ và giúp cho người mua sau có thể thực hiện các thủ tục chuyển nhượng. Với các trường hợp mới phát sinh, người có khoản nợ hoặc cơ quan xử lý tài sản đảm bảo cần có văn bản, tài liệu chứng minh tài sản đảm bảo có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng khoản nợ phải thanh toán. Căn cứ vào đó, cơ quan thuế cho phép miễn thuế.
Đồng tình với quan điểm trên, một luật sư khác phân tích: Hiện nay, nhiều NH hỗ trợ cho người dân vay 70% giá trị căn nhà, tuy nhiên, trong quá trình trả nợ họ bị mất nguồn thu nhập dẫn đến nợ quá hạn nên NH buộc phải phát mãi căn nhà đó. Khi đó, số tiền bán nhà trả nợ không thể xem là thu nhập của người dân để tính thuế. Vì vậy, đối với những trường hợp bị phát mãi tài sản, cần miễn thuế TNCN nhằm hỗ trợ người dân, đồng thời thúc đẩy quá trình xử lý nợ được nhanh chóng.
LS Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang cho biết, trước đây có 2 cách tính thuế TNCN đối với người bán nhà đất: Áp dụng thuế suất 25% trên lợi nhuận (giá bán trừ đi giá mua và các chi phí khác có chứng minh được) hoặc thuế suất 2% trên giá bán. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cách tính thuế suất 25% trên lợi nhuận bị bỏ, chỉ còn cách tính là 2% trên giá bán. Vì thế, khi áp dụng đối với những trường hợp phát mãi tài sản nhà đất, người dân không có lựa chọn nào khác mà vẫn bị tính thuế suất 2% trên giá bán. Điều này dẫn tới sự thiếu công bằng thuế với cá nhân.
Cụ thể, cùng là đối tượng bị phát mãi tài sản bất động sản nhưng cá nhân thì phải tính thuế TNCN trên giá bán, trong khi doanh nghiệp chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nếu phát sinh thu nhập sau đó.Vì vậy, ông Trần Xoa kiến nghị: “Cần miễn thuế TNCN cho những trường hợp mất khả năng trả nợ để NH có thể phát mãi được tài sản".