Chủ trương và cơ chế đầu tư tháp truyền hình Việt Nam vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra kết luận.
Một tháp truyền hình của Nhật Bản được đặt tại thủ đô Tokyo.
Cụ thể, Thủ tướng nhận định, tháp truyền hình Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc quy hoạch và phát triển Thủ đô. Dự án được thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa và áp dụng những chính sách ưu đãi cao nhất theo như quy định của pháp luật.
Vì vậy, Đài Truyền hình Việt Nam đã chỉ đạo đơn vị tư vấn dự án cần khẩn trương xây dựng dự án tiền khả thi. Trong đó, cần làm rõ các phương án để huy động nguồn vốn, thời gian nguồn vốn thu hồi được cũng như hiệu quả của dự án và những nội dung liên quan khác.
Đồng thời, Thủ tướng cũng phê duyệt kế hoạch cho Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thành lập công ty CP tiến hành đầu tư dự án tháp truyền hình Việt Nam, sau khi hiệu quả của dự án đã được làm rõ.
Bên cạnh đó, Đài Truyền hình Việt Nam cũng cần lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực về nguồn tài chính và kinh doanh để góp vốn tham gia công ty CP thực hiện công tác khai thác kinh doanh dịch vụ khi dự án được đưa vào hoạt động.
Trong công ty CP, phần vốn góp của Đài Truyền hình Việt Nam là nguồn vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam, còn phần vốn góp của SCIC là vốn kinh doanh.
Khi dự án đi vào hoạt động có hiệu quả, cả Đài Truyền hình Việt Nam và SCIC tiến hành thu hồi vốn bằng cách bán cổ phần.
Tháp truyền hình Việt Nam dự kiến sẽ được xây dựng trên diện tích đất rộng hơn 14 ha thuộc khu trung tâm của đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).
Đài Truyền hình Việt Nam đã ký thành công hợp đồng chọn nhà thầu tư vấn thiết kế cho dự án vào tháng 8/2014 tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Và Niken Sekkei của Nhật Bản được chọn là công ty thực hiện gói thầu "Lập dự án đầu tư" cho dự án đầu tư xây tháp truyền hình Việt Nam.