Tại buổi họp báo chiều qua (2/8) tại Hà Nội, ông Lê Đình Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu triển khai ngay gói 2.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội (NOXH) trong năm 2017.
Vị Thứ trưởng cho hay, trong quý II/2017, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 184 dự án, cung ứng 72.000 căn hộ NOXH. Các địa phương hiện đang triển khai tiếp 195 dự án NOXH với quy mô 165.000 căn hộ.
Một số dự án thương mại chuyển đổi sang NOXH
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tình trạng mất cân đối cung cầu vẫn diễn ra tại một số phân khúc bất động sản. So với nhu cầu, hiện nguồn cung NOXH, nhà ở thương mại giá rẻ vẫn còn hạn chế. Đồng thời, việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển NOXH còn chậm so với kế hoạch.
Bộ Xây dựng hiện đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách triển khai các chương trình NOXH trọng điểm. Cơ quan này sẽ tập trung tháo gỡ các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, khuyến khích, huy động các nguồn lực phát triển NOXH.
Do thiếu vốn, một dự án NOXH trên địa bàn Hà Nội chậm tiến độ.
Liên quan đến gói hỗ trợ phát triển NOXH trị giá 2.000 tỷ đồng mà Quốc hội mới thông qua, theo đề nghị của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn, triển khai ngay việc cho vay trong năm 2017.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát lại các dự án nhà ở được đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Trong đó có một số dự án nhà ở dành cho sinh viên sẽ được chuyển đổi sang dự án NOXH theo hình thức xã hội hóa.
Ông Hùng cho rằng, sẽ rất lãng phí nếu để những khu nhà ở sinh viên đã xây dựng không được sử dụng hết như hiện nay. Chính vì vậy, đề xuất chuyển đổi một số dự án sang NOXH của địa phương đã được Bộ Xây dựng nhất trí.
Xử lý tất cả công trình sai phép, không phép
Về công tác xử lý các công trình không phép, sai phép, theo Thứ trưởng Lê Đình Hùng, ước tính cả nước có khoảng 60.000 giấy phép khác nhau gồm cả dự án lớn và nhỏ. Hệ thống văn bản pháp luật quản lý trật tự xây dựng, hướng dẫn cấp phép xây dựng ngày càng được hoàn thiện.
Theo đó, việc xử lý sai phạm đã có chế tài theo Nghị định 180 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và Nghị định 121 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm tỷ lệ công trình vi phạm đều giảm. Tỷ lệ này đã giảm khoảng 10-20% trong 5 năm qua.
Ông Hùng khẳng định, Bộ Xây dựng vẫn giữ quan điểm là tất cả công trình sai phép, không phép đều phải điều chỉnh, xử lý và khi xử lý phải đối chiếu quy hoạch. Trường hợp đã có quy hoạch mà công trình vẫn phù hợp với quy hoạch thì chủ đầu tư cần phải làm thủ tục xin thay đổi giấy phép. Còn nếu không làm thủ tục chuyển đổi giấy phép thì chủ dự án buộc phải phá dỡ. Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh: "Những công trình không phép, sai phép hiện đang xử lý có cả những công trình được xây dựng trước đây nhiều năm".
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp