UBND TP Hà Nội thường xuyên yêu cầu các ngành, địa phương giải tỏa vi phạm đê điều. Nhưng vi phạm vẫn chất chồng, những con đê dần bị “xẻ thịt”.
UBND TP Hà Nội thường xuyên yêu cầu các ngành, địa phương giải tỏa vi phạm đê điều, trả lại hành lang thoát lũ thông thoáng trước mùa mưa bão. Nhưng, năm này qua năm khác, vi phạm cứ chất chồng, những con đê cứ dần bị “xẻ thịt”, vi phạm cũ chưa xử lý, vi phạm mới lại phát sinh.
Cũ chưa xong, mới chất chồng
Chi cục Quản lý đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, từ khi Hà Nội hợp nhất đến nay, có 1.616 vụ phi phạm đê điều tồn tại. Trong đó, 3 tháng đầu năm 2012, phát sinh 74 vụ. Hình thức vi phạm phổ biến là các hành vi lấn chiếm hành lang đê làm quán, làm lều trên chỉ giới đê; sản xuất kinh doanh vật liệu; đổ đất và phế thải ra lòng sông.
Nghiêm trọng hơn là các hình thức: khai thác cát trái phép trên sông, đổ đất để tôn cao và lấn chiếm các bãi sông nằm trong hành lang thoát lũ, chất vật liệu xây dựng khối lượng lớn trên triền sông; xe quá tải đi trên đê làm hỏng mặt đê… Vi phạm xảy ra ở nhiều nơi: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Gia Lâm. Hiện nay, Hà Nội có 7 điểm vi phạm nghiêm trọng vẫn đang tồn tại như Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long (huyện Từ Liêm) xây dựng các hạng mục xây dựng không phép trên bãi sông; vi phạm đổ phế thải ở ngoài bãi sông khu vực cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ) với khối lượng lớn, trong thời gian dài; đổ phế thải và tôn cao mặt bằng ở gầm cầu Thanh Trì để làm chỗ gửi xe (quận Hoàng Mai) cao hơn khu vực bãi sông từ 1 - 1,2m ảnh hưởng rất lớn đến việc thoát lũ của sông Hồng…
Ứng Hòa là một trong những địa phương có số vụ vi phạm đê điều vào diện lớn nhất nhì, trong đó, đặc biệt là những vi phạm nghiêm trọng, lấn chiếm, xây nhà trên đê. Theo ghi nhận, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn thị trấn Vân Đình, hơn chục ngôi nhà cao tầng, nhà cấp 4, công trình phụ… vừa được xây dựng còn chưa hoàn thiện, có công trình đang thi công ngay giáp chân đê, một số công trình đã bị giải toả phần vi phạm hành lang đê, gạch còn ngổn ngang nhưng người dân đã căng bạt để kinh doanh tiếp.
Vẫn khó xử lý?
Ông Bùi Quang Vĩnh, Trưởng phòng Kinh tế Ứng Hòa nhìn nhận, xảy ra tình trạng các vi phạm Luật Đê điều nghiêm trọng như hiện nay một phần là do lịch sử để lại, chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt nhiệm vụ và trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều. Theo ông Vĩnh, chính quyền đã “rất tích cực” trong việc xử lý vi phạm, chống tái lấn chiếm, nhưng khó khăn ở chỗ, các trường hợp vi phạm đã bị giải tỏa lại tranh thủ xây dựng vào ban đêm, hoặc ngày nghỉ. Có lẽ cũng vì lý do này, mà vi phạm trên đê tả Đáy thuộc địa bàn huyện Ứng Hòa vẫn gia tăng. Theo báo cáo của Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức, chỉ tính từ 21/3 đến 9/4/2012, huyện Ứng Hòa đã phát sinh 36 trường hợp vi phạm mới trên đê tả Đáy nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Đáng nói, năm nào ngân sách thành phố cũng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để tu bổ đê điều, xây dựng kè cống. Năm 2012, vốn của thành phố Hà Nội cấp gần 200 tỷ và khoảng hơn 20 tỷ đồng do Bộ NN&PTNT cấp cho công tác này. Tuy nhiên, tiền ngân sách bỏ ra tu bổ, trong khi, trên khắp mọi quận, huyện, thị xã có đê, vi phạm đê điều, “xẻ thịt” đê làm nhà, kinh doanh, chất nguyên vật liệu thì gia tăng theo thời gian. Địa phương kêu khó, ngành đê điều kêu không có thẩm quyền giải tỏa, và hậu quả là đê điều thành nhà ở, hàng quán. Trong khi, vi phạm đã rõ mười mươi nhưng làm cách nào để giải tỏa thì chưa ai có câu trả lời.
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể xảy ra trong thời gian tới, cần xây dựng hệ thống đường hành lang ven đê để hình thành một ranh giới người dân không lấn chiếm được nữa. Đồng thời, sớm quy hoạch bãi sông, bến sông quy định rõ khu vực được khai thác cát, khu vực tập kết vật liệu xây dựng. Một vấn đề quan trọng khác là cần dành kinh phí thích đáng để di dời những gia đình, công trình, doanh nghiệp nằm trong chỉ giới thoát lũ.
(Theo ANTĐ)