Vừa qua, Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội thực hiện kiểm tra, khảo sát tại một số quận nội thành. Kết quả cho thấy, nhiều chung cư cao tầng không phép, sai phép ở mức trầm trọng.
Chủ đầu tư “nhờn luật”
Chung cư Mai Trang Tower, phường Mễ Trì II, quận Nam Từ Liêm theo phê duyệt có diện tích 6.695m2, gồm 2 tòa tháp cao 37 tầng (33 tầng nổi và 4 tầng hầm). Trước ngày 16/8/2016, chủ đầu tư công trình này ngang nhiên thi công dù chưa được cấp phép xây dựng.
Dự án chung cư Thăng Long, tổ 50, phường Yên Hòa, Cầu Giấy được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 cho Công ty TNHH Thăng Long với quy mô trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê 17 tầng. Đến năm 2013, UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ nhất để Công ty TNHH Thăng Long xây dựng tòa nhà hỗn hợp với quy mô 27 tầng và 2 tầng hầm. Tuy nhiên, hiện nay, qua kiểm tra, chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng nên đã bị lập biên bản đình chỉ thi công.
Nhiều chủ đầu tư sẵn sàng làm sai, nếu bị phát hiện thì nộp phạt rồi xin
điều chỉnh bổ sung hoặc hợp thức hóa sai phạm
Theo khảo sát thực tế, công trình nêu trên xây 32 tầng gồm 27 tầng nhà ở, còn lại tầng kỹ thuật, tầng mái, một bể bơi sân thượng với tổng diện tích sàn tăng thêm hơn 2.000m2 so với phương án được duyệt. Chủ đầu tư dự án hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ xin điều chỉnh quy mô, căn hộ tuy nhiên vẫn thi công bình thường dù đã bị đình chỉ, trục xuất thợ nhiều lần.
Huyện Hoài Đức cũng xuất hiện nhiều công trình cao tầng vi phạm trật tự xây dựng. Công trình nhà ở cao 14 tầng, 1 tầng hầm của gia đình ông Nguyễn Viết Quý nằm trên trục đường Quốc lộ 32, thuộc Dự án tái định cư thôn Lai Xá, xã Kim Chung vừa qua cũng khiến dư luận bức xúc. Theo quy định, lô đất của ông Quý chỉ được cấp phép xây dựng 6 tầng. Thực tế, gia đình ông không những chưa được cấp phép xây dựng mà còn xây 14 tầng (vượt 8 tầng so với quy định). Sau nhiều lần lập biên bản xử lý, ông Nguyễn Viết Quý mới tháo dỡ được 3 tầng và đang xin UBND TP cho tồn tại.
Bất chấp sai phạm vì lợi nhuận
Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP cho biết, qua khảo sát, đa số các công trình vi phạm trật tự xây dựng đều chưa được xử lý triệt để do nhiều yếu tố, do cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, nhiều công trình được Thanh tra Xây dựng của quận và chính quyền cơ sở yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các kết luận của thanh tra, khắc phục các sai phạm, nhưng vì lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư bất chấp các quy định của pháp luật, sẵn sang chống đối. Chỉ cần chính quyền địa phương không đôn đốc, giám sát chặt chẽ, buông lỏng quản lý thì lại tái diễn vi phạm.
Các công trình sai phạm đa số vi phạm về chiều cao, muốn xử lý thì phải cắt gọt các tầng, đòi hỏi kỹ thuật, nhiều thời gian. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chậm chễ trong việc khắc phục các vi phạm trật tự xây dựng.
Hơn nữa, sự phối hợp giữa lực lượng thanh tra xây dựng với chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa tốt, thiếu quyết liệt. Công an phường không thực hiện quy định cấm công nhân, xe chuyển vật liệu vào công trình theo đề nghị của chính quyền...là những nguyên nhân chủ quan.
Ban Đô thị HĐND cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng rất ngang nhiên, số tiền xử phạt quá thấp nên chủ đầu tư chấp nhận nộp phạt để tồn tại vi phạm. Câu chuyện “tiền trảm, hậu tấu” vẫn rất phổ biến. Các chủ đầu tư vì lợi nhuận sẵn sàng làm sai.
Ban Đô thị HĐND TP cho biết thêm, việc xử lý những vi phạm trật tự xây dựng thực tế là khó nhưng không phải không thể xử lý được. Hiện nay, TP đã phân cấp quản lý, quy trách nhiệm rõ vai trò người đứng đầu trong lĩnh vực này. Do đó, UBND TP và các quận, huyện phải có giải pháp mạnh xử lý triệt để những vi phạm về trật tự xây dựng, tạo sự răn đe tránh phát sinh vi phạm mới.