Chiều 20/10, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đã đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt các hồ sơ của đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính.
Rút ngắn thời gian thẩm định góp phần tiết kiệm một khoản
không nhỏ chi phí cho dự án
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 10/2016, trong công tác thẩm định thiết kế, dự toán các dự án đầu tư xây dựng đã xây dựng quy trình ISO, thời gian thẩm định đã được rút ngắn trên 20% thời gian. Thời gian thẩm định dự án nhóm B là dự án tối đa lên tới 2300 tỷ đồng thời gian cũng được rút xuống từ 30 ngày giảm còn 24 ngày. Dự án ở nhóm C được rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 16 ngày.
Việc thẩm định thiết kế cơ sở được rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 16 ngày. Việc thẩm định thiết kế - dự toán rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 24 ngày. Quá trình thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật được rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 16 ngày…
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2016, Sở Xây dựng Hà Nội đã thẩm định 517 hồ sơ công trình. Con số này tăng 193 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng đang gặp phải nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể, các chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước hiện đang lúng túng khi phân biệt thế nào là vốn nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác. Thực tế, các nguồn vốn trên cũng chưa đồng bộ với quy định về nguồn vốn tại Luật Đầu tư công.
Xét về thẩm quyền thẩm định công trình giao thông, nếu chiếu theo Nghị định 59/2015 thì Hà Nội lại rất khó để tuân thủ bởi việc phân biệt công trình giao thông trong hay ngoài đô thị là không đơn giản.
Trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Hà Nội cũng đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn việc xác định trình độ tay nghề, cấp bậc thợ trong các lĩnh vực chuyên ngành để làm cơ sở xây dựng đơn giá nhân công, ca máy, đơn giá xây dựng công trình… phù hợp với thị trường.
Ngoài ra, vướng mắc trong quy định quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình cũng là điểm đang gây tranh cãi. Những nội dung quy định trường mẫu giáo không quá 3 tầng, trường học phổ thông không quá 4 tầng rất khó thực hiện trên địa bàn Hà Nội bởi tình trạng thiếu đất, mật độ xây dựng dày đặc, đặc biệt ở các quận nội đô lịch sử như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng...