Hơn 1 tháng sau, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mẫu thống nhất vẫn chưa thể thực hiện vì còn chờ... hướng dẫn.
Hơn 1 tháng sau, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mẫu thống nhất vẫn chưa thể thực hiện vì còn chờ... hướng dẫn.
Thiếu các văn bản dưới luật, các địa phương đành “ôm” hồ sơ người dân nộp chờ tới ngày được cấp “sổ đỏ” theo mẫu mới.
Chỉ nhận, không “trả”
Sau khi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực (1-8-2009), các quy định về cấp Giấy chứng nhận cũ đã bị bãi bỏ. Do vậy, từ 1-8-2009, các địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội đều đã dừng hoàn toàn việc cấp GCN theo mẫu cũ. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi kéo dài đã hơn 1 tháng nên nhiều người dân bắt đầu thấy bức xúc, sốt ruột bởi cơ quan chức năng cứ “hẹn đi hẹn lại nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Giải thích về vấn đề này, ông Ngô Trọng Khang - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất và nhà Hà Nội cho biết, do Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có văn bản hướng dẫn nên Hà Nội không thể cấp “sổ đỏ” theo những quy định cũ cho người dân. “Dự kiến là đầu tháng 9-2009 có hướng dẫn nhưng tới giờ Chính phủ chưa ban hành Nghị định, Bộ TN-MT cũng chưa có Thông tư hướng dẫn, mẫu GCN mới cũng chưa có. Đương nhiên, hồ sơ chúng tôi vẫn nhận bình thường và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, song khâu cuối cùng là cấp GCN thì không làm được nên người dân đành phải chờ. Không riêng gì Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác trên cả nước cũng rơi vào tình cảnh như vậy”.
Cũng theo ông Ngô Trọng Khang, hiện nay, Văn phòng đăng ký đất và nhà Hà Nội chưa thống kê nên cũng không nắm rõ được số hồ sơ tồn đọng, chờ giải quyết là bao nhiêu. Cũng tương tự như Văn phòng đăng ký đất và nhà tại các quận, huyện của Hà Nội, người dân chỉ có thể nộp hồ sơ xin cấp GCN vào mà chưa biết ngày nào sẽ được cấp vì còn chờ... hướng dẫn. Ông Ngô Trọng Khang cũng cho biết, chỉ các trường hợp phải cấp GCN mới gặp khó khăn còn những trường hợp chỉ xác nhận thay đổi vào GCN nhà đất đã cấp trước ngày 1-8-2009 (không đổi GCN mới) khi giải quyết các thủ tục đăng ký giao dịch như chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê, tặng cho (còn gọi là đăng bộ) vẫn được giải quyết bình thường.
Tiếp tục chờ đợi
Theo quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), ông Phùng Văn Nghệ, hiện tại, dự thảo Nghị định hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đang ở bước lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và sẽ sớm được ban hành. Ông Phùng Văn Nghệ nói: “Về nguyên tắc luật pháp, phải đợi Nghị định quy định mẫu giấy mới ban hành thì mới có thể cấp đăng ký cho người dân được”.
Để không làm ảnh hưởng đến nhu cầu giao dịch của người dân, Bộ TN-MT đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép, trong khi chờ mẫu giấy mới, cho phép các địa phương chỉ đạo cơ quan tài nguyên - môi trường thực hiện việc xác nhận thay đổi vào GCN đã cấp trước 1-8-2009 (trên trang 4) khi giải quyết các thủ tục đăng ký giao dịch nhà đất như chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê, tặng cho. Ông Phùng Văn Nghệ giải thích: “Theo quy định của luật pháp, các giao dịch này chỉ được thực hiện khi nhà đất đã được cấp giấy chứng nhận. Những trường hợp chưa có GCN, đăng ký cấp mới thì buộc phải chờ mẫu mới”.
Ông Phùng Văn Nghệ cũng khẳng định, các địa phương không được phép ngừng việc tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của người dân. “Tạm ngừng cấp giấy không có nghĩa là các địa phương không làm gì cả liên quan đến trình tự, thủ tục thụ lý hồ sơ và cấp GCN. Ngay từ đầu tháng 8-2009, Bộ TN-MT đã có văn bản gửi cơ quan TN-MT địa phương yêu cầu vẫn tiếp nhận hồ sơ sau ngày 1-8 và thụ lý hồ sơ để sẵn sàng khi có mẫu mới là cấp ngay cho người dân. Chúng tôi đã trực tiếp điện thoại cho Giám đốc các Sở TN-MT nói rõ quan điểm này” - ông Phùng Văn Nghệ nói.
Do thời gian chờ đợi đã kéo dài hơn 1 tháng nên theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, để các quy định mới nhanh chóng được thực thi, Bộ TN-MT đang đề nghị Chính phủ cho phép Nghị định sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký, không cần đợi 15 ngày sau khi đăng công báo. Ông Phùng Văn Nghệ phân trần: “Hy vọng, khi Nghị định được ban hành là các địa phương có thể triển khai cấp GCN ngay cho người dân”.
(Theo ANTĐ)