Trong Đề án phát triển thị trường bất động sản Tp.HCM hướng đến năm 2025 gửi tới UBND TP, Sở Xây dựng Tp.HCM đã nêu ra hàng loạt kiến nghị và giải pháp rất thực tế nhằm phát triển hơn nữa thị trường BĐS Tp.HCM.
Phát triển nhà ở cho thuê tại Tp.HCM
Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, TP hiện đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư và nguồn lao động chất lượng cao từ nhiều quốc gia trên thế giới, lao động từ các địa phương khác, từ các nước trong khu vực có nét tương đồng về kinh tế, phát triển đô thị, dân số… Đây là điều kiện thuận lợi để TP có thể áp dụng, học hỏi kinh nghiệm cho phát triển thị trường BĐS.
Trong thời gian tới, sự phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng. Liên kết của các đô thị vệ tinh trong vùng sẽ được thúc đẩy hơn nữa nhờ việc phủ kín quy hoạch 1/2000 với các tuyến vành đai 3 và 4 đã được phê duyệt, trong đó tuyến vành đai 3 sẽ khởi công năm 2016.
Do vậy, định hướng phát đến năm 2025 của Tp.HCM sẽ có nhiều thay đổi về cấu trúc hộ gia đình với kích thước trung bình hộ ngày càng giảm. Điều này sẽ tạo nguồn cầu đa dạng về nhà ở và BĐs khác.
Trong Đề án, Sở Xây dựng Tp.HCM đưa ra nhiều kiến nghị có ý nghĩa:
Sở đề xuất Quốc Hội đưa vào hệ thống luật các chính sách có hiệu quả để thu hút hơn nữa các nguồn đầu tư trong vào ngoài nước vào thị trường BĐS.
Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, chú trọng kết nối
liên kết vùng cũng là một trong những kiến nghị của Sở Xây dựng TP
Đồng thời, Sở đề nghị chú trọng phát triển đô thị đa trung tâm cùng với hệ thống giao thông hiện đại như đường sắt trên cao, metro, xe buýt nhanh… để kết nối tốt hơn nữa đô thị vành đai và đô thị hạt nhân. Điều này cũng có ý nghĩa từng bước giảm mật độ nhà ở còn khá cao ở khu vực trung tâm.
Cũng trong Đề án, Sở Xây dựng Tp.HCM đề nghị TP cần phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm BĐS, đẩy mạnh sản phẩm phân khúc nhà chung cư. Sở mạnh dạn đề ra mục tiêu 30% nhà ở mới hằng năm thuộc phân khúc nhà ở chung cư, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê và khuyến khích phát triển nhà ở xã hội.
Nhiệm vụ phát triển nhà ở và các sản phẩm BĐS khác dựa trên cơ sở tái phát triển các khu vực đô thị hiện hữu, với mục tiêu trên 50% số nhà ở xây dựng mới hằng nằm đến từ các dự án này là mục tiêu quan trọng cần nhanh chóng thực hiện.
TP theo đó cũng được kiến nghị khuyến khích phát triển các loại hình BĐS mới như nhà ở cho thuê, văn phòng kết hợp nhà ở, căn hộ khách sạn…
Đặc biệt, nội dung Đề án cũng kiến nghị Chính phủ thành lập Tổng Cục phát triển nhà ở trực thuộc Chính phủ để điều hành chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Cơ quan quản lý phát triển nhà ở trực thuộc UBND thành phố cũng được kiến nghị thành lập để chịu trách nhiệm chung về quản lý phát triển nhà ở, dự án nhà ở.
Đề xuất xây dựng Trung tâm Thông tin thị trường BĐS
Sở Xây dựng Tp.HCM cũng đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có việc xây dựng Trung tâm Thông tin thị trường BĐS trực thuộc UBND TP với nhiệm vụ đầu mối quản lý và khai thác dữ liệu, hoàn thiện và chuẩn hóa thông tin thị trường. Để thông tin cung cấp ra thị trường nhanh và chính xác nhất, Sở đề nghị sớm xây dựng và công bố chỉ số đánh giá thị trường BĐS.
Bộ tiêu chí đánh giá chủ đầu tư cần nhanh chóng được hoàn thiện. Việc thay đổi quy định về vốn chủ sở hữu, vốn pháp định đối với chủ đầu tư các dự án BĐS cũng cần triển khai.
Đề án còn đề nghị thí điểm áp dụng một số chính sách về cải tạo chung cư cũ, phát triển nhà ở xã hội, phân cấp lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án trong các chương trình nhà ở trọng điểm…
Sở Xây dựng Tp.HCM cũng kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các quy định về thuế, các chế tài liên quan nhằm hạn chế đầu cơ trong thị trường nhà ở.
Đề án có nội dung kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế suất giao dịch BĐS, tạo động lực để người dân có giao dịch chính thức, khai báo đúng giá trị giao dịch, từ đó tăng nguồn thu cho từ giao dịch BĐS, cải thiện sự minh bạch của thị trường.
Kiến nghị hạ lãi suất cho vay BĐS lâu dài
Đề án của Sở Xây dựng Tp.HCM có nội dung kiến nghị xem xét thí điểm tạo hành lang pháp lý cho một số công cụ tài chính BĐS mới phát triển như Quỹ tín thác BĐS, Quỹ tiết kiệm nhà ở… để tránh lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.
Sở cũng đề nghị TP cân nhắc các ảnh hưởng trung và dài hạn có thể xảy ra khi đưa các gói hỗ trợ BĐS quy mô lớn ra thị trường. Việc thiết lập nguồn vốn ưu đãi dài hạn cho doanh nghiệp và hộ gia đình tiếp cận nhà ở xã hội, hạ lãi suất cho vay mua nhà, sửa nhà và ổn định lãi suất này trong thời gian dài, thậm chí trong toàn thời gian có hiệu lực của gói tín dụng cũng là nội dung cấp bách cần triển khai.