Mô hình khu phức hợp nghỉ dưỡng mà Tập đoàn Las Vegas Sands dự kiến đầu tư tại Việt Nam sẽ giống với Singapore - quốc gia với những luật lệ rất khắt khe về sòng bài.
Mô hình khu phức hợp nghỉ dưỡng mà Tập đoàn Las Vegas Sands dự kiến đầu tư tại Việt Nam sẽ giống với Singapore - quốc gia với những luật lệ rất khắt khe về sòng bài.
Trong dịp khai trương thành phố nghỉ dưỡng lớn nhất thế giới tại Macau, Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands - ông Sheldon G.Adelson đã trả lời phỏng vấn các báo của Việt Nam về kế hoạch đầu tư tại Hà Nội và TP HCM.
- Tại Macau, ông đầu tư vào dải Cotail khi nơi đây còn là một đầm lầy mênh mông nước; còn ở Singapore là vịnh Marina. Tại sao khi lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, ông lại chọn 2 thành phố lớn, đông đúc là Hà Nội và TP HCM?
- Vì Việt Nam hiện nay giống như trái cây đã chín và hoàn toàn tương thích với mô hình kinh doanh khu nghỉ dưỡng phức hợp của Las Vegas Sands. Việt Nam muốn thúc đẩy du lịch, và đó là chuyên ngành của chúng tôi. Tập đoàn Las Vegas Sands muốn đưa ngành du lịch sự kiện đến Việt Nam, vun trồng nó, để mang các thương nhân, những du khách nghỉ dưỡng sang trọng đến đây.
Chúng tôi chỉ đầu tư vào những quốc gia mà chúng tôi cho rằng đang cần nhất đến mô hình khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp. Việt Nam là một trong ba quốc gia đứng đầu trong việc đáp ứng các tiêu chí đó.
- Las Vegas Sands vốn nổi tiếng về kinh doanh sòng bạc và Macau là mảnh đất hứa của ngành này; trong khi đó, Việt Nam là quốc gia rất khắt khe với cờ bạc. Vậy tại sao ông vẫn muốn đầu tư vào đây?
- Thực tế, tất cả những gì Las Vegas Sands có thể làm là mang đến những điều chúng tôi tin tưởng vào lợi ích mà ngành công nghiệp nghỉ dưỡng phức hợp đem lại cho Việt Nam. Nếu như chính phủ muốn thu hút du lịch, cả du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thương mại và du lịch sự kiện, chúng tôi có thể đưa ra câu trả lời cho mong muốn đó.
Ở châu Á, chúng tôi rất thành công ở Macau và Singapore trong việc mang mô hình phức hợp nghỉ dưỡng. Marina Bay Sands và Venetian là điểm du lịch cần đến khi tới 2 quốc gia này và Việt Nam cũng vậy nếu có những khu phức hợp tương tự.
Mô hình mà Việt Nam nên xem xét không phải tại Macau mà là Singapore, quốc gia có những luật lệ rất khắt khe về sòng bài. Chỉ trong vòng 2 năm từ khi Singapore triển khai mô hình du lịch nghỉ dưỡng phức hợp, du khách đến Singapore tăng từ 9 triệu lên 13 triệu, tương ứng với tỉ lệ hơn 40% trong 24 tháng. So với dân số tại quốc đảo này là 5 triệu người thì mức tăng trưởng đó rất lớn.
Trong khi đó, Việt Nam có 90 triệu dân và chỉ đón 6,1 triệu khách du lịch một năm. Đó là con số quá ít ỏi.
-Vậy khách hàng chủ yếu mà ông hướng tới đối với dự án tại Việt Nam là ai?
- Đó sẽ là các du khách quốc tế. Ngành kinh doanh du lịch sự kiện là một trong những cột trụ cho sự thành công của khu nghỉ dưỡng phức hợp và nguồn nuôi dưỡng nó là khách quốc tế.
- Khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands tại Singapore có hình dáng con tàu trên cạn, nơi đặt Công viên Thiên đường. Còn tại Venetian Macao là mô hình thu nhỏ của thành phố Venice. Ông đã có ý tưởng gì về kiến trúc cho khu nghỉ dưỡng phức hợp tại Việt Nam?
- Chúng tôi đã lựa chọn kiểu kiến trúc với hai cánh buồm đang giương căng gió cho tòa nhà tại TP HCM. Đây cũng sẽ là hai tòa nhà vô cùng đẹp với hình dáng của hai cánh buồm đặt trên con thuyền.
Tại Hà Nội, chúng tôi chưa đưa ra mô hình kiến trúc cho dự án, nhưng các kiến trúc sư đang nỗ lực hết sức để sớm đưa ra quyết định cuối cùng.
- Tại sao ông lại lựa chọn kiến trúc hai cánh buồm cho khu nghỉ dưỡng phức hợp tại TP HCM?
- Ý tưởng của chúng tôi là phải xây dựng được một công trình mang nét đặc trưng của thành phố. Chúng tôi quyết định chọn mô hình tòa nhà giống như những cánh buồm căng gió trên một con thuyền bởi sông Sài Gòn và mặt nước là một phần không thể thiếu của thành phố Hồ Chí Minh.
(Theo Vnexpress)