Lợi
dụng mối quan hệ quen biết, Ngừng đã vay tiền của nhiều người dân trong
và ngoài địa bàn xã bằng việc hứa trả với lãi suất cao. Có tiền, Ngừng
mang đi đầu tư và kinh doanh bên ngoài song thua lỗ.
Lợi dụng mối quan hệ quen biết, Ngừng đã vay tiền của nhiều người dân trong và ngoài địa bàn xã bằng việc hứa trả với lãi suất cao. Có tiền, Ngừng mang đi đầu tư và kinh doanh bên ngoài song thua lỗ.
Liên quan đến vụ vỡ nợ hơn 200 tỷ đồng của Nguyễn Thị Ngừng (SN 1978, Ba Lăng, Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội), theo thông tin mới nhất chúng tôi có được, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự “con nợ” Nguyễn Thị Ngừng đề điều tra làm rõ hành vi thủ đoạn mà Ngừng sử dụng để vay tiền của người dân.
Trước đó, công an huyện Thường Tín cũng xác nhận thông tin Nguyễn Thị Ngừng tới trụ sở Công an huyện đầu thú.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Ngừng đã lợi dụng các mối quan hệ quen biết rồi từ đó vay nợ và hứa trả với lãi suất cao từ 4.000 - 6.000 đồng/ngày/triệu.
Quá trình vay nợ, Ngừng chỉ ký xác nhận cho các hộ vay vào giấy hoặc sổ tay. Có tiền, Ngừng đã đem tiền đi kinh doanh, buôn bán song thua lỗ. Không có tiền để xoay vòng, trả lãi, lại bị các chủ nợ "siết" nên Ngừng đã tới công an đầu thú.
Bước đầu xác định, số tiền mà Ngừng vay lên đến hơn 200 tỷ đồng trong đó có nhiều người cho vay với số tiền lớn nhỏ khác nhau dao động từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng.
Hiện căn nhà 4 tầng của vợ chồng Ngừng ngày nào cũng đóng kín cổng cao tường. Nghiêm Xuân Sơn (tức Quang, chồng Ngừng) sau khi cùng vợ lên trình diện ở công an cũng đã được thả về nhà.
Lãnh đạo CA huyện Thường Tín thông tin, quá trình điều tra cho thấy trong việc vay nợ này, người đứng ra giao dịch là Ngừng. Hiện 3 người con của vợ chồng Ngừng đang sống cùng với bà.
Bà Khởi, mẹ của vợ chồng Ngừng nói rằng, việc làm ăn của vợ chồng Ngừng bên ngoài bà không hề hay biết.
Liên quan đến các vụ vỡ nợ theo hình thức tín dụng đen thời gian quan, trước đó, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, GĐ CATP Hà Nội đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng vay nợ “tín dụng đen” đang diễn ra ở bên ngoài xã hội.
Theo Tướng Nhanh, hiện tình trạng cho vay theo kiểu tín dụng đen đang xảy ra ở nhiều địa bàn, trước đây tập trung ở nội thành, trong thời gian qua, hoạt động này đã lan rộng sang các vùng nông thôn, ngoại thành.
Trong khi đó, Đại tá Đinh Văn Toản, PGĐ CATP Hà Nội cũng từng cho biết, khi vụ việc vỡ lở, đối tượng vay thường nói là hai bên thỏa thuận dân sự, gây khó khăn cho CQĐT.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động tội phạm bao giờ cũng bộc lộ những sơ hở không thể che đậy được. Ví dụ các đối tượng nói với người dân vay tiền để kinh doanh nhưng thực tế không phải vậy, ngay từ đầu đối tượng đã lên kế hoạch để chiếm đoạt tài sản.
Đại tá Toản cũng khuyến cáo người dân phải cảnh giác với các đầu mối tín dụng đen. Nếu có vốn dư thừa nên gửi vào quỹ tín dụng và ngân hàng, cần nguồn vốn kinh doanh cũng nên qua ngân hàng; không nên ủy quyền tài sản cho người khác quản lý.
Trong trường hợp phải giao dịch tài chính bên ngoài, cần lập hợp đồng chặt chẽ về pháp lý. Khi xảy ra lừa đảo phải trình báo với cơ quan công an; không được sử dụng các biện pháp đòi nợ vi phạm pháp luật như bắt giữ người trái pháp luật, thu giữ tài sản…
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Trả lời các cơ quan báo chí mới đây, ông Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát điều tra tội phạm (Bộ Công an) cho hay, ở hầu hết các vụ vỡ nợ, tiền đã được đầu tư vào thị trường, khi tiến hành điều tra, số tiền và tài sản thu lại không nhiều lắm, gần như người cho vay bị thiệt hại lớn với số lượng đông người và thu hồi cũng không được nhiều. |
(Theo VTC)