Nghị quyết số 18/NQ-CP và các Quyết định 65/QĐ-TTg, 66 QĐ-TTg, 67 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là các chính sách quan trọng, cụ thể nhằm tạo dựng quỹ nhà ở cho sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp tại các địa phương trên cả nước.
Nghị quyết số 18/NQ-CP và các Quyết định 65/QĐ-TTg, 66 QĐ-TTg, 67 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là các chính sách quan trọng, cụ thể nhằm tạo dựng quỹ nhà ở cho sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp tại các địa phương trên cả nước.
Sau gần một năm thực hiện, nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá: "Thành công không phải ở số lượng nhiều hay ít dự án được triển khai xây dựng. Mặc dù chưa mãn nguyện nhưng rất đáng mừng vì nhận thức của xã hội về nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội đã có những thay đổi quan trọng".
Định hình một xu thế
Từ khi chấm dứt chế độ bao cấp về nhà ở, phải đến hơn 10 năm sau, khi Luật Nhà ở được ban hành vào năm 2005 thì các đối tượng có khó khăn tại đô thị gồm cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại khu công nghiệp mới lại nhìn thấy cơ hội về hỗ trợ nhà ở. Tuy nhiên, với chủ trương không quay lại cách làm bao cấp trước đó, việc tạo dựng quỹ nhà ở cho người có thu nhập thấp rất khó khăn khi đi vào cuộc sống. Nguyên nhân do nhà nước chưa có đủ điều kiện kinh tế để tập trung vốn đầu tư phát triển quỹ nhà xã hội. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt về vốn đầu tư chưa cụ thể và đủ mạnh, lợi nhuận không cao nên chưa thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.
Hàng loạt chính sách đã được Chính phủ ban hành nhằm tạo đà cho việc xây dựng quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Việc triển khai Nghị quyết số 18/NQ-CP và các Quyết định 65/QĐ-TTg, 66 QĐ-TTg, 67 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu được thực hiện từ tháng 4/2009. Sau gần một năm, đến thời điểm này đã có gần 60 dự án được khởi công xây dựng, trong đó gần một nửa là nhà ở cho công nhân, còn lại là nhà ở cho người có thu nhập thấp. Cả nước đã có 97 dự án nhà ở sinh viên, trong đó hầu hết đã khởi công và sẽ đi vào khai thác từ đầu năm học mới 2010. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, với rất nhiều khó khăn từ quỹ đất, nguồn lực tài chính… số lượng dự án đã làm được là con số khả quan. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là nhận thức của xã hội đã có những thay đổi quan trọng. Các doanh nghiệp đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến phân khúc nhà ở không mấy "màu mỡ" này. Bên cạnh đó, từ quá trình triển khai các dự án, những khó khăn, những vướng mắc cũng đã dần được tháo gỡ, tạo điều kiện dần khơi thông các nguồn lực xã hội.
Còn khó…
Thời gian tới, việc triển khai các dự án sẽ có nhiều khó khăn hơn. Vấn đề lớn nhất đó là quỹ đất. Gần một năm qua các dự án đều được triển khai khá thuận lợi khi các địa phương ưu tiên dành cho các quỹ đất sạch, quỹ đất 20% ở các khu đô thị mới. Vấn đê đặt ra cho thời gian tới là phải đặt vào quy hoạch sử dụng đất của các địa phương quỹ đất cho nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Quỹ đất này sẽ không nhỏ bởi nhu cầu nhà ở của các đối tượng này là rất lớn, đòi hỏi một quá trình lâu dài, bền bỉ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho rằng, có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc số lượng dự án được thực hiện chưa nhiều:
Một là, việc triển khai các dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị không sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà chủ yếu huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Trong khi đó, thời gian qua việc triển khai các dự án đầu tư đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm kinh tế của thế giới và trong nước. Ngoài ra, đối với nhà ở thu nhập thấp các chủ đầu tư khó có thể huy động vốn ứng trước của người mua như nhà ở thương mại. Vì vậy, các chủ đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp thường khó khăn về vốn.
Hai là, theo quy định các địa phương phải bố trí quỹ đất dành để đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp gắn với quy hoạch các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới hoặc quy hoạch bố trí riêng quỹ đất cho các dự án nhà ở thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc triển khai điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất xây dựng nhà ở thu nhập thấp ở một số địa phương còn chậm so với yêu cầu.
Ba là, mặc dù thủ tục hành chính liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư bất động sản nói chung và dự án nhà ở thu nhập thấp nói riêng đã từng bước được quan tâm, cải thiện, tuy vậy ở một số địa phương chưa có chuyển biến tích cực, thậm chí còn gây khó khăn đối với các nhà đầu tư, do đó tiến độ triển khai các dự án nhà ở thu nhập thấp chưa được như mong muốn.
(Theo KTĐT)