Để được hưởng vay vốn ưu đãi mua và thuê nhà ở xã hội (NƠXH), Ngân hàng Chính sách xã hội yêu cầu người dân phải gửi tiền tiết kiệm 12 tháng tại ngân hàng này. Nhiều người lo ngại quy định này sẽ gây khó khăn cho người mua nhà vì còn chưa hợp lý.
Quy định nhập nhằng
Gói vay ưu đãi mua và thuê nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ giúp người thuộc đối tượng được vay ưu đãi hưởng lãi suất 4,8%/năm, không phải trả lãi trong năm đầu. Để được hưởng những ưu đãi này, ngoài những yêu cầu khác, người dân còn phải gửi tiền tiết kiệm hàng tháng với mức gửi tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng, tại Ngân hàng Chính sách xã hội ít nhất 12 tháng tính từ ngày ký hợp đồng tín dụng.
Như vậy, ngoài số tiền phải trả đều đặn cho ngân hàng mỗi tháng, thì người vay còn phải đồng thời gửi một khoản tiền tiết kiệm tương tự. Nhiều người cho rằng, mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ là quá cao, gây áp lực cho những người vốn đã có thu nhập thấp.
Nhiều người dân cảm thấy khó để thực hiện đúng theo quy định này
Thực tế, nhiều người dân vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn này bởi nhiều nguyên nhân dù mức lãi suất cho vay thấp hấp dẫn với chỉ 4,8%. Như vậy, quy định gửi tiết kiệm này cùng với sự ách tắc của nguồn vốn giải ngân, đã và đang chất chồng khó khăn cho người mua nhà.
Theo vị đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân đang chưa hiểu rõ quy định về gửi tiết kiệm của ngân hàng này đã nêu ra. Vị đại diện giải thích, mỗi tháng, ngoài khoản lãi 4,8% người vay phải trả, tiền gửi tiết kiệm theo quy định sẽ được chuyển vào một tài khoản trong vòng 1 năm. Đồng thời, lãi từ số tiền tiết kiệm này người vay được hưởng hết. Cứ qua một năm, tiền tiết kiệm sẽ tính trừ vào lãi và gốc cho những năm tiếp theo.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, quy định gây tranh cãi trên có mục đích giúp người vay trả nợ ngay từ năm đầu tiên, tránh trường hợp lợi dụng ưu đãi hưởng chênh lệch.
Tiền gửi và lãi suất chưa cân đối
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) phân tích, do giá mua nhà khác nhau nên mức gửi tiết kiệm sẽ khác nhau giữa mỗi hộ gia đình. Trong trường hợp người dân dù đã gửi tiết kiệm nhưng chưa có nhà để mua thì Ngân hàng sẽ không xác định được mức trả nợ hàng tháng, đồng thời không xác định được mức gửi tiết kiệm.
Theo ông Châu, nên có một mức gửi tiết kiệm chung hàng tháng cho mọi đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi này. Với thực tế thu nhập thấp của đối tượng vay vốn, ông cho rằng chỉ nên quy định 500.000 đồng đến 1 triệu đồng gửi tiết kiệm mỗi tháng, đồng thời, người dân nên được hưởng lãi suất gửi tiết kiệm ngay từ tháng đầu tiên để không bị thiệt thòi. Mức lãi suất tiết kiệm này cần bằng với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV cũng tham gia cấp tín dụng NƠXH cùng với đầu mối là Ngân hàng xã hội.
Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay, tính từ 6/6/2016 đến hết năm nay tại các ngân hàng nêu trên là những quyết định Ngân hàng Nhà nước nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành, theo ý kiến của các chuyên gia.