Với nhiều người dân đô thị, việc cấp sổ đỏ để khẳng định quyền sử dụng
đất, quyền sở hữu nhà luôn được mong đợi. Tuy nhiên, trên thực tế để có
được sổ đỏ trong tay, không ít người dân đã phải ngao ngán.
Với nhiều người dân đô thị, việc cấp sổ đỏ để khẳng định quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà luôn được mong đợi. Tuy nhiên, trên thực tế để có được sổ đỏ trong tay, không ít người dân đã phải ngao ngán.
Anh Lê Bảo Trung chủ sở hữu mảnh đất ở tại Q.Long Biên sau khi mong ngóng được cầm trong tay mảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình cũng nhận được tin vui: Gia đình anh đã được cấp sổ đỏ. Theo giấy thông báo của UBND phường anh đã đến để làm thủ tục nhận sổ. Tuy nhiên, sau vài lần mất công lên “làm găng” với bộ phận địa chính phường, rồi đến Cục Thuế quận để hỏi cho rõ, anh quyết định thôi thì cứ kệ cho sổ đỏ của nhà mình cho phường giữ. Nguyên nhân này được lý giải là do số tiền gia đình anh phải đóng vào quá lớn nếu muốn nhận sổ về. Ngoài số tiền thuế mà gia đình phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, gia đình anh còn phải nộp số tiền phạt vì chậm đến nhận ngót chục triệu đồng. Khi thắc mắc vì sao lại có quy định phạt chậm đến nhận sổ, cán bộ địa chính lý giải rằng: Lần thứ nhất phường đã báo gia đình được cấp sổ qua loa phát thanh! Thắc mắc tại sao gia đình không nhận được thông tin đó vì thực chất trong thời gian hành chính, anh phải đi làm nên không nghe được loa phường; tại sao có nhiều hình thức thông báo khác hiệu quả hơn như giấy báo mà gia đình anh không được biết? Câu trả lời của người cán bộ phụ trách trả sổ đỏ nói rằng: Đó là quy định của phường! Vậy là không đồng tình với số tiền phải nộp quá lớn để nhận được sổ đỏ anh Trung để sổ đỏ ở phường, bao giờ có điều kiện để nộp đủ số tiền phạt vô lý vì chậm được biết thông tin có sổ đỏ của mình khi ấy sẽ tính đến việc lấy sổ.
Chị Hoàng Thị Quế, ở tại thôn Hạ, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội cũng cho biết: Khi gia đình chị mua mảnh đất này thì được UBND xã Tây Tựu đương thời xác nhận là đất thổ cư. Tuy nhiên khi gia đình có nhu cầu làm sổ đỏ thì phòng địa chính và UBND xã lại nói là đất có phần là của công. Chị bảo: “Dấu đã triện vào giấy tờ mua bán đất của gia đình chúng tôi vẫn còn đỏ chói vậy mà những cán bộ đương thời lại phủ nhận nó, có phải chăng còn có nhiều điều uẩn khúc bên trong. Thật buồn mỗi khi nghĩ đến việc đi làm sổ đỏ”.
Những câu chuyện của người dân về những bất cập xung quanh việc cấp sổ đỏ tại Hà Nội đã và đang xảy ra rất nhiều. Không biết từ khi nào đã hình thành nên thực tế: Người cần thì tìm mọi cách, nộp đủ mọi khoản lệ phí vô lý để có được sổ đỏ; người không cần và không đồng tình với những khoản thu vô lý để được sổ đỏ thì cứ tạm cho sổ đỏ nằm ở nơi nó được sinh ra.
Tín hiệu vui đối với người dân đang mong chờ được cấp sổ đỏ khi vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 1474/CT-TTg về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi chung là “sổ đỏ”) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Chỉ thị trên nêu rõ: Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc cấp sổ đỏ và kết quả đạt được trong 3 năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, việc đăng ký, cấp sổ đỏ một số loại đất còn chậm, nhất là đất chuyên dùng và đất ở đô thị; lượng sổ đỏ đã ký chưa trao cho người được cấp ở một số địa phương còn tồn đọng nhiều; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao; việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên theo quy định.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do thủ tục cấp giấy chứng nhận ở một số địa phương chậm được cải cách, còn phiền hà, phức tạp, vượt quá thời gian quy định; Hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp, nhất là ở cấp huyện còn hạn chế năng lực; tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ chưa giảm, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc cấp sổ đỏ ở địa phương, nhất là đất ở và đất chuyên dùng.
Các tỉnh, thành cần chỉ đạo rà soát, thống kê toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ và hồ sơ đăng ký biến động đất đai đã tiếp nhận chưa giải quyết, sổ đỏ đã ký chưa trao, tập trung lực lượng, phấn đấu giải quyết xong các công việc này trước tháng 12/2011.
Đối với những trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai còn tồn đọng, phức tạp, có tính chất phổ biến thì UBND các tỉnh, thành xem xét ban hành quy định cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng này trong 2 năm 2011 và 2012 để lập hồ sơ quản lý.
Chỉ thị cũng nêu rõ từ nay đến hết năm 2011, các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương phải thực hiện rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định về sổ đỏ của địa phương không còn phù hợp với pháp luật hiện hành; tăng cường cải cách thủ tục cấp giấy chứng nhận nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thực hiện, giám sát; đồng thời thông báo số điện thoại nóng để người dân phản ánh tình hình…
Chắc chắn khi Chỉ thị 1474/CT-TTg được thực thi, câu chuyện sổ đỏ sẽ bớt “nóng” như hiện tại để những người dân như anh Trung, chị Quế sẽ yên tâm trong việc khẳng định quyền sở hữu tài sản của gia đình mình.
(Theo Báo Xây dựng)