Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực đảo Ngọc Vừng.
Quy hoạch trên nhằm hình thành Tổ hợp dịch vụ giải trí cao cấp đạt đẳng cấp quốc tế, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển của vùng.
Theo quy hoạch được duyệt, khu vực đảo Ngọc Vừng giáp vịnh Bái Tử Long ở phía Nam và phía Tây, phía Đông giáp đảo Phượng Hoàng - Nất Đất và phía Bắc giáp đảo Vạn Cảnh, xã Thắng Lợi. Quy mô diện tích khu vực nghiên cứu khoảng 1.500 ha, gồm 4 khu chức năng chính: Khu dịch vụ và nghỉ dưỡng; khu dân cư và sinh thái rừng ngập mặn; khu sinh thái rừng; khu thể thao tổng hợp và nghỉ dưỡng cùng một số khu chức năng khác.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đồ án bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy. UBND tỉnh được giao nhiệm vụ cập nhật tổng thể toàn diện diện tích đất rừng, diện tích đất quốc phòng, đánh giá đúng hiện trạng và tính lịch sử để đề xuất phương án quy hoạch đảm bảo phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.
Quảng Ninh vừa duyệt điều chỉnh quy hoạch khu vực đảo Ngọc Vừng.
(Ảnh minh họa)
Mặt khác, các khu chức năng bảo đảm hài hòa với cảnh quan không gian biển, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đạt đẳng cấp quốc tế với sản phẩm, dịch vụ đặc sắc, hấp dẫn du khách hạng sang. Đồng thời, quy hoạch cần hạn chế tối đa tác động đến tự nhiên và địa hình; đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội, kỹ thuật.
Quy hoạch đồng bộ hệ thống cấp thoát nước, nhất là các nguồn cấp nước, dự trữ nước ngọt trên đảo. Bên cạnh đó, cần thu gom và xử lý rác thải, nước thải, bảo đảm bền vững, hiện đại, kết nối với quy hoạch khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Trong khi đó, không gian kiến trúc cảnh quan tôn trọng các vùng cảnh quan tự nhiên, tạo không gian có giá trị cho tổng thể toàn khu đảo. Ưu tiên các khu vực tiếp cận thuận lợi với bờ biển dành cho hoạt động du lịch, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược theo Thông tư 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ Xây dựng, khoanh vùng và đề xuất các giải pháp bảo vệ rừng bảo tồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, vùng sinh thái nông nghiệp, vùng bảo vệ cảnh quan. Cùng với đó, cần dự báo và đề xuất các giải pháp ứng phó với tác động quá trình xây dựng, nhất là các vùng có nguy cơ gây ô nhiễm do hoạt động thi công xây dựng.
Có kế hoạch, chương trình giám sát môi trường về kỹ thuật, quản lý và quan trắc môi trường. Giảm thiểu và hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường hiện trạng và cộng đồng cư dân.
Được biết, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Faros Vân Đồn là đơn vị thực hiện đồ án trên. Kể từ ngày phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh, công trình được triển khai thực hiện trong vòng 9 tháng.