Thông tin quy hoạch huyện Đông Anh những năm gần đây thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản trên cả nước bởi tiềm năng tăng trưởng khả quan. Theo kế hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Đông Anh sẽ là một thành phố thông minh tọa lạc bên bờ Bắc sông Hồng.
Bài viết dưới đây cập nhật những thông tin quy hoạch huyện Đông Anh mới nhất, cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về huyện ngoại thành Hà Nội này.
Vị trí địa lý
Đông Anh là huyện ngoại thành, nằm ở phía Bắc Thủ đô, cách trung tâm TP. Hà Nội 15km, thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Huyện Đông Anh có ranh giới tự nhiên với các huyện, quận khác của TP. Hà Nội qua sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ. Ranh giới cụ thể như sau:
- Phía Đông Bắc giáp huyện Từ Sơn và Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh;
- Phía Đông Nam giáp huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội;
- Phía Tây giáp huyện Mê Linh, TP. Hà Nội;
- Phía Tây Nam: giáp huyện Đan Phượng
- Phía Nam giáp huyện Từ Liêm, quận Long Biên, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội;
- Phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.
Huyện Đông Anh có địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống đê sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ từ Quốc lộ 3 về hướng huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Cùng với đó là các dải tường thành khu di tích Cổ Loa, một số gò đống còn sót lại, Núi Sái ở Thụy Lâm là cao hơn hẳn.
|
Huyện Đông Anh, TP. Hà Nội trên bản đồ Google vệ tinh |
Hành chính
Hiện tại, huyện Đông Anh có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Đông Anh (huyện lỵ) và 23 xã: Xuân Nộn, Xuân Canh, Võng La, Vĩnh Ngọc, Việt Hùng, Vân Nội, Vân Hà, Uy Nỗ, Tiên Dương, Thụy Lâm, Tàm Xá, Nguyên Khê, Nam Hồng, Mai Lâm, Liên Hà, Kim Nỗ, Kim Chung, Hải Bối, Dục Tú, Đông Hội, Đại Mạch, Cổ Loa, Bắc Hồng.
Với diện tích tự nhiên khá rộng (185,68km2), dân số tính đến ngày 31/12/2021 là 412.878 người, mật độ dân số đạt 2.224 người/km2 và nằm hoàn toàn ở khu vực phía Bắc sông Hồng nên huyện Đông Anh có vị trí, vai trò chiến lược trong
định hướng phát triển đô thị của TP. Hà Nội trong những năm tới.
Kinh tế
Sở hữu vị trí chiến lược cùng tiềm năng to lớn về quỹ đất, hạ tầng, huyện Đông Anh đã và đang là địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư phát triển kinh tế với các trung tâm thương mại, tài chính, du lịch, thể thao, khu công nghiệp lớn. Trên địa bàn huyện hiện có những khu công nghiệp sau:
- Khu công nghiệp Đông Anh
- Khu công nghiệp Thăng Long
- Khu công nghiệp nhỏ ở Nguyên Khê
Các khu công nghiệp mang lại cho huyện Đông Anh nhiều lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đông Anh đang là nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có những doanh nghiệp top đầu thế giới như Yamaha, Canon…
Bên cạnh đó, Đông Anh còn có các khu chợ buôn bán phát triển như chợ Vân Trì, chợ Tó, chợ Trung tâm... Huyện Đông Anh còn có một số làng nghề truyền thống đang được đầu tư, phát triển mạnh mẽ như:
- Đồ gỗ mỹ nghệ xã Liên Hà
- Chế biến gỗ, cơ khí Dục Tú
- Nghề mộc, thợ mộc Thụy Lâm
- Nghề mộc ở Vân Hà
- Trồng hoa Uy Nỗ
- Trồng quất, đào Tầm Xá
- Trồng rau sạch, rau an toàn Vân Nội
- Gói bánh chưng, mộc Lỗ Khê (Liên Hà)
- Làm bún ở Mạch Tràng (Cổ Loa)
- Làm tương ở thôn Dục Nội (Việt Hùng)
- Làm đậu phụ Võng La
- Nghề đá trứng cút Mạch Lũng (Đại Mạch).
Văn hóa
Đông Anh là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời với nhiều lễ hội đặc sắc hiện vẫn được duy trì như Hội Cổ Loa (Thiềng), Hội làng Trung Oai, Hội làng Ngọc Chi, Hội làng Quan Âm, Hội làng Mỹ Nội, Hội làng Đường Yên, Hội rước vua giả Đền Sái, Hội làng Rối nước Đào Thục, Hội làng Sơn Du, Hội làng Xuân Nộn, Hội làng Xuân Trạch, Hội làng Quậy, Hội bà Máy hay còn gọi là lễ hội Giỗ, Hội làng Phúc Hậu, Hội làng Dục Tú, Hội làng Thượng Phúc, Hội làng Thụy Hà, Hội làng Mai Hiên.
Huyện Đông Anh còn được biết đến với nhiều khu di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí đặc sắc. Điển hình như Khu di tích Thành Cổ Loa và đền thờ An Dương Vương, đền Sái, địa đạo Nam Hồng, Đầm Vân Trì, sân golf Vân Trì, xưởng phim Cổ Loa, Công viên Kim Quy, Nhà thờ thôn Đại Bằng, sân vận động Đông Anh, Công viên Cầu Đôi, Vườn hoa Trung tâm, Phim trường Smile,...
>>> Xem thêm:
|
Bản đồ quy hoạch Đông Anh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 |
Giáo dục
Toàn huyện Đông Anh hiện có 58 trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống giáo dục được đầu tư bài bản và đồng bộ, chất lượng giảng dạy không ngừng cải thiện. Các trường THPT công lập, dân lập trên địa bàn huyện gồm:
- Trường THPT Liên Hà
- Trường THPT Vân Nội
- Trường THPT Cổ Loa
- Trường THPT Đông Anh
- Trường THPT Ngô Tất Tố
- Trường THPT Bắc Thăng Long
- Trường THPT Hồng Bàng
- Trường THPT An Dương Vương
- Trường THPT Ngô Quyền
- Trường THPT Phạm Ngũ Lão
- Trường Phổ thông Liên cấp Archimedes Đông Anh
Một số trường THCS tiêu biểu:
- Trường THCS Cổ Loa
- Trường THCS Việt Hùng
- Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng
- Trường THCS Vĩnh Ngọc
- Trường THCS Nam Hồng
- Trường THCS Mai Lâm
- Trường THCS Ngô Quyền
- Trường THCS Thị Trấn Đông Anh
Bên cạnh đó còn có hệ thống các trường THCS, tiểu học và mầm non ở các xã trong huyện. Một số cơ sở giáo dục khác trên địa bàn huyện Đông Anh gồm:
- Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc
- Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp
- Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long
- Trường Trung cấp nghề cơ khí 1
- Trường cho trẻ em khuyết tật Bình Minh
- Trung tâm giáo dục lao động hướng nghiệp thanh niên Hà Nội
- Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đông Anh
- Trung tâm dạy nghề số 6
Y tế
Vấn đề Y tế, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện Đông Anh được quan tâm, chú trọng. Huyện có nhiều bệnh viện đa khoa cùng hệ thống trạm y tế ở các xã, tiêu biểu có thể kể đến:
- Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2
- Bệnh viện Bắc Thăng Long
- Bệnh viện Đa khoa Đông Anh
- Phòng khám đa khoa Khu vực I trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh
- Phòng khám bệnh đa khoa Miền Đông trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh
- Trung tâm y tế huyện Đông Anh
- Cơ sở điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone)
Quy hoạch huyện Đông Anh: Mạng lưới giao thông
Đông Anh được xem là cửa ngõ giao thông của Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy quan trọng chạy qua.
- Đường bộ:
- Quốc lộ 3 từ Hà Nội đi Thái Nguyên, đoạn chạy qua Đông Anh dài 15km
- Đường Thăng Long, đoạn từ đầu phía Bắc cầu Thăng Long nối với Quốc lộ 3
- Một số tuyến quốc lộ như Quốc lộ 5 kéo dài, Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên.
- Đường 23 từ Đại Đô đến chợ Yên
- Đường từ Cổ Loa đi quốc lộ 23B, đi Tiền Phong (Mê Linh)
- Cao tốc Thăng Long - Nội Bài
- Đường Đào Duy Tùng.
- Đường Cao Lỗ, từ Quốc lộ 3 vào khu di tích Cổ Loa
- Đường từ Phà Đông Trù đi Quốc lộ 3
- Đường Ngã tư biến thế - Chợ Yên
- Tuyến mặt đê Sông Hồng, Sông Đuống
- Đường trục thị trấn, từ ga Đông Anh - Nhà máy xích líp
- Tuyến đường từ Quốc lộ 3 - qua Nguyên Khê - đến chợ Kim
- Đường từ Quốc lộ 3 đến Nhà máy in sách giáo khoa
- Đường Xuyên Á 14 chạy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Myanma...
- Đường sắt:
Các tuyến đường sắt quan trọng vận chuyển hàng hóa, hành khách từ trung tâm TP. Hà Nội đi Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên. Tổng chiều dài đường sắt chạy trên địa bàn Đông Anh khoảng trên 30km.
-
Đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua các xã Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ, thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Nguyên Khê, Bắc Hồng, Nam Hồng.
-
Đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên chạy qua thị trấn Đông Anh và các xã Xuân Nộn, Nguyên Khê.
-
Đường sắt vận chuyển hàng hoá Bắc Hồng - Văn Điển chạy qua các xã Nam Hồng, Kim Nỗ, Hải Bối.
-
Các ga Cổ Loa, ga Đông Anh, ga Bắc Hồng.
-
Dự kiến các tuyến đường sắt đô thị đi qua địa bàn huyện là tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình), tuyến số 4 (Liên Hà - Bắc Thăng Long), tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi) và tuyến số 7 (Mê Linh - Ngọc Hồi).
- Đường thủy:
Có 3 sông lớn chảy qua địa bàn huyện Đông Anh gồm sông Hồng, sông Đuống và sông Cà Lồ. Tổng chiều dài các đoạn chảy qua huyện khoảng 33km.
- Đoạn sông Hồng chảy qua phía Nam huyện Đông Anh có tổng chiều dài 15km.
- Đoạn Sông Đuống chảy qua phía Nam huyện Đông Anh có tổng chiều dài 8,5km.
- Đoạn Sông Cà Lồ chảy qua phía Bắc huyện Đông Anh có chiều dài 9km.
- Các cây cầu nối huyện Đông Anh với các địa phương xung quanh:
Cầu Thăng Long, cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, cầu Phù Lỗ, cầu Lớn, cầu Lò So, cầu Ngũ Huyện Khê, cầu Cô Loa, cầu Đôi, cầu Đài Bi, cầu Phương Trạch, cầu E, cầu Lộc Hà, cầu Vân Trì, cầu sông Thiếp.
Các cầu vượt cạn gồm: Cầu vượt Vân Liên Hà, cầu vượt Nguyên Khê, cầu vượt Kim Chung, cầu vượt Vân Trì, cầu vượt Nam Hồng, cầu vượt Vĩnh Ngọc.
Cùng với đó là các dự án cầu Thượng Cát thuộc đường vành đai 3,5 Hà nội, cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng, cầu Thượng Thuy, cầu Mai Lâm bắc qua sông Đuống.
Phát triển đô thị
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch huyện Đông Anh được định hướng phát triển đô thị ở bờ Bắc sông Hồng trong những năm sắp tới. Huyện Đông Anh với lợi thế quỹ đất khá lớn sẽ phát triển các dự án đô thị tầm cỡ, trở thành khu vực đô thị trung tâm của TP. Hà Nội trong tương lai.
|
Phối cảnh tổng thể dư án Công viên Kim Quy Vĩnh Ngọc Đông Anh |
Về cơ cấu sử dụng đất, bản đồ quy hoạch huyện Đông Anh mới nhất cho thấy, khoảng 49 - 60% diện tích đất phát triển theo hướng đô thị hóa, gồm khu vực trung tâm và nông thôn. Huyện đã từng bước cụ thể hoá kế hoạch xây dựng trong những năm qua bằng các công trình trọng điểm như khu du lịch cao cấp, các khu resort xung quanh đầm Vân Trì; cải tạo các khu dân cư hiện hữu ở Nguyên Khê - Xuân Nộn; Khu công viên dọc sông Hồng, sông Đuống; Khu Thể dục thể thao TP. Hà Nội...
Mặt khác, huyện Đông Anh cũng đã và đang tập trung phát triển hạ tầng tại các điểm du lịch văn hóa di tích lịch sử quốc gia Cổ Loa, như di tích Đền Sái, địa đạo Nam Hồng, làng nghề Vân Hà,…
Với cơ sở hạ tầng ngày một đồng bộ và hiện đại, huyện Đông Anh thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế rót vốn phát triển dự án, xây dựng thành hình các khu đô thị xanh, đô thị sinh thái rộng hàng nghìn ha. Huyện từng bước trở thành trung tâm đô thị mới trong tương lai, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, thương mại, vui chơi giải trí của người dân trên địa bàn.
Hiện tại, huyện Đông Anh đã đặt 19/27 tiêu chí để lên quận vào năm 2025. Có 8 tiêu chí chưa đạt, gồm 6 tiêu chí về cơ sở hạ tầng và 2 tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội.
Tình hình thị trường bất động sản Đông Anh
Với những lợi thế vượt trội về tốc độ đô thị hóa, khả năng phát triển kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch bài bản, cơ sở hạ tầng đồng bộ, huyện Đông Anh những năm gần đây đang có sức hút rất lớn trên thị trường bất động sản, trở thành điểm "nóng" trên bản đồ nhà đất Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, vào đầu năm 2020, sau khi Chính phủ thông báo sẽ đưa Đông Anh lên quận vào năm 2025, đất nền Đông Anh trở nên sốt nóng hơn bao giờ hết.
Nhà đất Đông Anh tăng giá chóng mặt sau thông tin quy hoạch lên quận. Thế nhưng, sau mỗi đợt sốt nóng, giá đất tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Đông Anh đã giảm tới 50 - 70%, giao dịch rất ít. Tuy giá đất Đông Anh đã giảm sâu so với trước nhưng vẫn có sự chênh lệch về giá lớn ở các khu vực khác nhau.
Ví dụ, khu vực quanh mặt đường Cao Lỗ, đoạn từ ngã tư biến thế đến chợ Tó, đất thổ cư có giá từ 30 - 100 triệu đồng/m2, đất phân lô liền kề từ 80 - 100 triệu đồng/m2. Trên cùng con đường, giá trị bất động sản sẽ có sự khác nhau ở lô góc hay lô thường. Đất nền lô góc có giá trị thương mại cao hơn so với đất nền lô thường. Trong các lô thường lại được chia làm các lô khác nhau với các mức giá bán khác nhau.
Một số khu đô thị mới đã và đang hình thành trên địa bàn huyện Đông Anh như Khu đô thị Vinhomes Cổ Loa, khu đô thị Nam Hồng, Khu đô thị Eurowindow River Park Đông Hội, Khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, Khu đô thị Liên Hà, khu nhà ở công nhân cho thuê tại xã Kim Chung, Khu Thương mại - Dịch vụ - Nhà ở 1/5 tại Tổ 53 thị trấn Đông Anh,...
Theo đó, diện mạo đô thị Đông Anh ngày càng hoàn thiện, hứa hẹn là nơi an cư lập nghiệp lý tưởng, là miền đất hứa đối với giới đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, đầu tư nhà đất Đông Anh, nhà đầu tư cần nắm rõ thông tin quy hoạch, thông tin các dự án sắp triển khai, giá thị trường cũng như pháp lý lô đất để đầu tư đất Đông Anh hiệu quả, an toàn.
Trên đây là tổng hợp thông tin quy hoạch huyện Đông Anh mới nhất, cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về tiềm năng phát triển của một trong các huyện ngoại thành TP. Hà Nội đang được định hướng lên quận trong tương lai gần. Hy vọng, qua bài viết này, nhà đầu tư có thêm cơ sở để quyết định xuống tiền đầu tư bất động sản Đông Anh thời gian tới.
Lam Giang (TH)