Cứ những ngày cuối năm, giáp Tết, cư dân TP HCM lại than phiền vì nạn đào đường. Có người nói vui “mùa đào đường” đã tới. Khắp các con đường, từ nội đến ngoại thành, hầu như chỗ nào cũng có bảng hiệu “công trình đang thi công”.
Cứ những ngày cuối năm, giáp Tết, cư dân TP HCM lại than phiền vì nạn đào đường. Có người nói vui “mùa đào đường” đã tới. Khắp các con đường, từ nội đến ngoại thành, hầu như chỗ nào cũng có bảng hiệu “công trình đang thi công”.
Hàng chục hộ dân kinh doanh trên đường Nguyễn Thái Sơn (phường 7, quận Gò Vấp) thở dài ngao ngán vì một rãnh sâu hoắm, đất đá nhếch nhác ngay trước nhà. Rãnh này là một phần vỉa hè đang chờ xây mới, bị “cày xới” nát bét, đất đá lởm chởm gây khó khăn cho việc đi lại cũng như kinh doanh của người dân. Nhiều hộ phải kê tạm những tấm ván qua rãnh để cho xe ra vào. Chưa kể nhiều vật liệu như đá, cát… chắn ngay trước nhà.
Tương tự, vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 4 quận 3) đã nhỏ hẹp, nay còn bị những đống đá, gạch, cát, xi măng... chiếm dụng; góc ngã tư đường An Dương Vương - Lê Hồng Phong (quận 5), đường Trần Hưng Đạo - Trần Đình Xu (quận 1)… hai bên lề đường cũng bị rào chắn, khiến các hộ kinh doanh chỉ biết than trời.
Còn trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), từ ngã tư Ký Con - Trần Hưng Đạo đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ, chỉ một đoạn ngắn (khoảng 3 km) nhưng có đến 3 rào chắn, gắn bảng báo hiệu công trình đang thi công. Công trình thi công làm mới vỉa hè trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3), vỉa hè công viên Âu Lạc trên đường Hùng Vương và Trần Phú (quận 5)... cũng đang đào xới. Vào những giờ cao điểm, nạn kẹt xe luôn diễn ra ở những nơi này do một phần đường còn lại quá nhỏ hẹp.
Vận động thi công vỉa hè: chưa cần vẫn làm
Các địa phương cho biết, vỉa hè xây dựng theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhà nước góp 50-60% và người dân góp 40-50%. Người dân muốn phường công khai đơn giá vật liệu và chất lượng vỉa hè nhưng yêu cầu đó không được đáp ứng, một số hộ không đồng tình nên không đóng tiền.
Theo bà con, phường nói vận động dân tự nguyện góp tiền làm vỉa hè, thực chất là bắt buộc nộp tiền. Có phường gửi thông báo đến từng nhà ghi rõ số tiền từng hộ phải đóng để tiến hành cải tạo vỉa hè.
Làm vỉa hè là công trình công ích, người dân ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều vỉa hè còn kiên cố vẫn bị đào lên làm mới, gây lãng phí. Như vỉa hè chung quanh công viên Âu Lạc trên đường Hùng Vương và Trần Phú (quận 5) trước đây được lát bê tông sỏi còn rất tốt, và vỉa hè trên đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), Lê Văn Sỹ (quận 3) lát gạch bông còn tốt nay bị đào bỏ để làm mới.
Thi công ì ạch, dân khổ
Một chủ hộ sống trên tuyến đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) than thở: “Từ ngày có đống cát choán hết mặt tiền, doanh thu của chúng tôi giảm thấy rõ, nếu trước đây một ngày có hàng chục khách, bây giờ thi thoảng lắm mới có vài khách ghé qua. Đã làm thì làm nhanh cho dân nhờ, chứ ì ạch kiểu này khổ lắm! Thời gian thi công bao lâu cũng không thông báo cho dân biết để chuẩn bị”.
“Có một đoạn mấy trăm mét mà làm cả tháng chưa xong, đoạn nào làm xong thì vỉa hè lại cao hơn con hẻm 30-50 cm”, một người dân trên đường Nguyễn Đình Chiểu bức xúc. Mới đây, do trời tối không thấy độ chênh lệch giữa hẻm và vỉa hè, một người dân bị té tại hẻm 338 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3).
Một người dân ở đường Nguyễn Cảnh Chân (quận 1), mỗi sáng sớm vẫn thường đi tập thể dục ở Công viên 23-9, cho biết: "Mấy ông làm đường đã chắn hơn nửa con đường chỉ để lại mỗi bên một chút, vì thế xe máy cứ chạy cả lên lề đường dành cho người đi bộ, có hôm tôi suýt bị một xe gắn máy tông phải, nên đã gần nửa tháng nay tôi ngại không dám đi ra công viên tập thể dục".
(Theo SGGP)