Theo UBND TPHCM, trước những tác động của nền kinh tế thị trường, một số điều luật của Luật đất đai năm 2003 đã thể hiện sự bất cập, thiếu thống nhất khi triển khai thi hành trong thực tế.
Theo UBND TPHCM, trước những tác động của nền kinh tế thị trường, một số điều luật của Luật đất đai năm 2003 đã thể hiện sự bất cập, thiếu thống nhất khi triển khai thi hành trong thực tế.
Do đó, UBND TP kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 nội dung của luật này để khắc phục những bất cập đang diễn ra.
Nhiều nội dung Luật đất đai năm 2003 không còn phù hợp với thực tiễn sau 7 năm áp dụng
Trong 12 kiến nghị của TP, có nhiều kiến nghị ảnh hướng lớn và thiết thực đối với người dân như việc xác định quyền lợi của các đối tượng đồng sở hữu trên mảnh đất chung mà không thể chia tách, quy định rõ hơn đối với hình thức người dân gốp vốn bằng đất, kéo dài thời gian sử dụng đất…
Cụ thể, TP kiến nghị đối với những khu đất sử dụng chung mà không thể chia tách thành thửa riêng thì trên giấy chứng nhận cần thể hiện rõ là trong tổng số phần diện tích sử dụng chung thì mỗi người có được bao nhiêu phần nhằm dễ dàng xác định quyền lợi của từng người sử dụng đất sau này khi tài sản trên đất không còn.
Về hình thức góp vốn bằng tiền sử dụng đất, TP kiến nghị quy định cụ thể điều kiện thực hiện, quyền và nghĩa vụ các bên tham gia góp vốn đối với từng hình thức góp vốn và góp vốn một phần giá trị quyền sử dụng đất; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của việc sử dụng đất ngầm, đất bãi bồi ven biển.
Chỉ nên có 2 hình thức là giao đất ổn định lâu dài cho tất cả các loại đất và cho thuê đất với thời hạn theo thỏa thuận của hợp đồng thuê đất; Thời hạn sử dụng đất sửa đổi theo hướng ổn định, lâu dài cho tất cả các loại đất nhằm tạo sự an tâm cho người sử dụng đất đầu tư khai thác sử dụng lâu dài và hiệu quả.
TP cũng kiến nghị bổ sung quy định về thẩm quyền điều chỉnh đường địa giới từng cấp và phân cấp cho UBND cấp tỉnh được hiệu chỉnh các đường địa giới cấp huyện, cấp xã cho phù hợp tốc độ đô thị hóa mà không làm ảnh hưởng đến dân cư và nhân khẩu;
Quy định cụ thể về mối liên hệ giữa quy hoạch xây dựng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch môi trường để đảm bảo các nội dung của các quy hoạch này phù hợp với nhau; giao cho UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Nhà nước ban hành các chính sách đảm bảo người dân có đất trong khu quy hoạch được an tâm và những người có đất nằm trong khu vực quy hoạch là đất công trình công cộng bình đẳng với những người có đất nằm trong khu vực quy hoạch là đất nhà ở hoặc thương mại dịch vụ.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, sửa đổi theo hướng Tòa án nhân dân giải quyết tất cả các trường hợp tranh chấp đất không phân biệt có giấy tờ về đất hay không có.
Kiến nghị không phân cấp quản lí theo đối tượng là chủ sử dụng đất như hiện nay mà cần quản lí theo thửa đất và quản lí theo khu vực hoặc theo ranh giới hành chính xã - phường…
(Theo Dân trí)