Theo thông tin từ Sở QH&KT TP.HCM ngày 24/7 vừa qua, Sở đang tham mưu cho UBND TP lựa chọn đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2025 theo như chủ trương đã được chấp thuận bởi Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, quy hoạch TP.HCM sẽ theo mô hình đa cực, tức có nhiều trung tâm. Đối với khu vực nội đô hiện hữu, TP sẽ cải tạo, phát triển nhiều không gian ngầm quanh nhà ga Metro thành hệ thống trung tâm thương mại và tiện ích gắn kết với phương tiện công cộng. Cùng với đó, TP.HCM sẽ phát triển thêm về 4 hướng.
|
Hướng phát triển mới (phần màu vàng) trong quy hoạch của TP.HCM
(Đồ họa: Nguyễn Tâm) |
Cụ thể, phía Đông gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức sẽ phát triển theo hành lang tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với nhiều khu đô thị mới tọa lạc dọc Xa lộ Hà Nội. Khu Công viên phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM, khu công nghệ cao sẽ là điểm nhấn của phía Đông.
Đối với khu vực phía Nam (Nhà Bè, quận 7), để phát triển hạ tầng kỹ thuật và phục vụ tiêu thoát nước phù hợp, TP sẽ căn cứ vào điều kiện địa hình nhiều sông ngòi, thủy văn và quỹ đất phát triển đô thị.
Trong khi đó, phía Tây Bắc (Củ Chi, Hóc Môn, quận 12) được định hướng phát triển nhiều khu đô thị mới có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bởi nơi đây có quỹ đất cũng như điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Riêng phía Tây Nam (Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh) chỉ phát triển hạ tầng kỹ thuật phù hợp.
Mặt khác, TP.HCM cũng xác định tiềm năng phát triển du lịch sinh thái dọc theo sông Sài Gòn, biển Cần Giờ cũng như các vùng bảo tồn thiên nhiên.
Theo đánh giá, mô hình đa trung tâm sẽ góp phần giải quyết những bất cập trong hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật về không gian công cộng, kẹt xe, ngập úng... Đồng thời, mô hình này cũng phù hợp với đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị văn minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn tới năm 2025.
|
TP.HCM sẽ được quy hoạch theo mô hình đa trung tâm. (Ảnh: Y Ho Nhu) |
Quyền Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở QH&KT), ông Lý Khánh Tâm Thảo, công tác quản lý đô thị tại các quận nội thành đang có nhiều bất cập; thiếu không gian công cộng, bãi đỗ xe; phân bố dân cư không cân bằng... Ngoài ra, hạ tầng đô thị của TP.HCM còn bị áp lực bởi tình trạng đô thị hóa mất kiểm soát, ngập nước, nước biển dâng, biến đổi khí hậu...
Kể từ giai đoạn điều chỉnh quy hoạch tổng thể năm 2010 tới nay, TP.HCM có nhiều thuận lợi phù hợp để điều chỉnh quy hoạch tới năm 2025. Những thuận lợi này gồm sự chuyển biến lớn về các dự án giao thông, đường vành đai, trục xuyên tâm dần hoàn thiện, đi vào vận hành, khai thác, phục vụ người dân...
TP.HCM có 3 lý do chính để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan tới đồ án quy hoạch chung, gồm: đáp ứng cơ sở pháp lý và định hướng quy hoạch vùng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo yêu cầu định hướng phát triển thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu (chưa được lồng ghép trong lần điều chỉnh quy hoạch năm 2010).
Thủ tướng đồng ý với chủ trương của TP và yêu cầu UBND TP.HCM phối hợp cùng các sở, ngành triển khai theo đúng quy định của Luật quy hoạch đô thị.