Hàng loạt chính sách về BĐS quan trọng như mua nhà ở xã hội được vay tới 80% giá trị hợp đồng, cưỡng chế chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì nhà chung cư, hộ tái định cư được mua thêm căn hộ,... sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12/2015.
Cưỡng chế chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì
Được biết, Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực từ ngày 10/12/2015.
Theo quy định của Nghị định này, nếu quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư vẫn không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì UBND cấp tỉnh sẽ có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho Ban quản trị, chủ đầu tư và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản.
Nghị định 99 nêu rõ, biện pháp cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì bao gồm việc buộc chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì được gửi từ tài khoản đã lập theo quy định hoặc chuyển kinh phí từ tài khoản khác của chủ đầu tư sang tài khoản do Ban quản trị quản lý hoặc xử lý tài sản của chủ đầu tư. Thời hạn thực hiện việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được tthực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế. Theo đó, kinh phí phải bàn giao là toàn bộ số tiền bảo trì (gồm cả gốc và lãi) theo số liệu kinh phí mà các bên đã quyết toán.
Hàng loạt chính sách quan trọng về BĐS sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng
12/2015. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Được vay tới 80% giá trị hợp đồng khi mua nhà ở xã hội
Nội dung Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 nêu rõ, trường hợp thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa là 80% giá trị hợp đồng thuê, mua, thuê mua nhà. Trong trường hợp xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa là 70% giá trị dự toán hay phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Theo nghị định 100, lãi suất cho vay ưu đãi tại NH Chính sách xã hội được Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị cho từng thời kỳ và lãi suất cho vay ưu đãi tại các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của NHNN cho từng thời kỳ cụ thể.
Hộ tái định cư sẽ được mua thêm căn hộ
Nghị định 101 về xây dựng, cải tạo lại chung cư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2015 quy định, chủ căn hộ chung cư cũ bị xây dựng lại có từ 2 hộ khẩu trở lên sẽ được mua thêm căn hộ ở cùng địa điểm tái định cư theo giá kinh doanh do 2 bên thỏa thuận với nhau.
Mặt khác, Nghị định cũng quy định việc xây dựng, cải tạo lại chung cư phải triển khai thực hiện theo dự án mà không thực hiện việc xây dựng lại đơn lẻ từng nhà (trừ chung cư độc lập). Mỗi khu vực có chung cư cần xây dựng, cải tạo lại có thể triển khai 1 hay nhiều dự án phù hợp với quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền duyệt và phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đã được ban hành.
Cấm doanh nghiệp nhà nước đầu tư BĐS
Nghị định số 91/2015 có hiệu lực từ ngày 1/12/2015 quy định, doanh nghiệp nhà nước được quyền sử dụng tiền vốn, tài sản thuộc quyền sử dụng,quản lý để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp song không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực BĐS; không được góp vốn hay mua cổ phần tại ngân hàng, các công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc công ty đầu tư chứng khoán (ngoại trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước đã góp vốn đầu tư vào các lĩnh vực nói trên, đồng thời không thuộc trường hợp được Thủ tướng cho phép đầu tư thì phải thực hiện phương án cơ cấu lại, chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.