Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), hiện tổng dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) khoảng dưới 10% trong khi các biện pháp hạn chế cho vay chỉ nên áp dụng khi ở mức 15%.
Mới đây, Hiệp hội đã có công văn bày tỏ ý kiến về Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước quy định các tỷ lệ, giới hạn bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ông Nam cho hay.
Thông tư 36 hiện đang được cơ quan quản lý ngân hàng lấy ý kiến, nội dung đáng chú ý là đề xuất giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống còn 40% và hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay BĐS dự kiến được nâng từ 150% hiện nay lên tới 250%. Trong trường hợp Thông tư trên được ban hành, chính sách này sẽ khiến các điều kiện cho vay BĐS được nâng cao hơn. Kéo theo chi phí cho vay cũng gia tăng.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam. (Nguồn ảnh: PV).
Theo nhận định của lãnh đạo VNREA, việc điều chỉnh nói trên không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến BĐS mà còn tác động xấu đến nhiều thị trường khác có liên quan cũng như cả nền kinh tế. Thế nên, VNREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh Thông tư 36 trong giai đoạn hiện nay với 4 lý do.
Động thái này góp phần tác động tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Hiện thị trường BĐS đang được quản lý khá hiệu quả. Trên thực tế, việc kiểm soát năng lực các doanh nghiệp tốt hơn với quy định nâng cao vốn pháp định từ 6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng. Đến nay, số lượng các doanh nghiệp lớn nhiều hơn và các dự án thực sự hiệu quả.
Hiện dư nợ tín dụng BĐS trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế ở mức hợp lý vào khoảng từ 360.000 - 380.000 tỷ đồng trên tổng số 4 triệu tỷ đồng và tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng dưới 10%. Trong khi đó, dư nợ vào khoảng 15% mới cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế cho vay, đại diện VNREA cho biết.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam hiện nay, nhất là tại các đô thị còn rất cao. Thực tế cho thấy, nhiều dự án vừa mới bắt đầu được hồi phục lại, tại nhiều địa phương, BĐS còn khó khăn và kênh vốn chủ yếu cho thị trường hiện là tín dụng ngân hàng.
Ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: "Chúng ta đã có một số bài học về điều chỉnh chính sách tín dụng đối với thị trường BĐS trong giai đoạn trước đây, đã tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Việc điều chỉnh này sẽ làm các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả người dân giảm lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô. Dự án dở dang và lượng tồn kho BĐS sẽ tăng, thêm khó khăn cho các doanh nghiệp địa ốc và đặc biệt giảm cơ hội mua nhà chính đáng của người dân".
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị Thống đốcNgân hàng Nhà nước Việt Nam không điều chỉnh Thông tư 36 để đảm bảo sự ổn định và phát triển của BĐS Việt Nam.