Theo xếp hạng năm 2006 của Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực MERCER (Mỹ) đối với 215 thành phố lớn trên thế giới, TP HCM đứng thứ 148 (Hà Nội xếp thứ 155). Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia về quy hoạch và chất lượng cuộc sống tại TP HCM.
Theo xếp hạng năm 2006 của Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực MERCER (Mỹ) đối với 215 thành phố lớn trên thế giới, TP HCM đứng thứ 148 (Hà Nội xếp thứ 155). Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia về quy hoạch và chất lượng cuộc sống tại TP HCM.
TP HCM hiện là thành phố đông dân nhất cả nước. Theo số liệu thống kê chính thức năm 2005, dân số của thành phố là trên 6,2 triệu, trong thực tế có thể lên tới 7-8 triệu người, dự báo đến năm 2020 là 10-12 triệu. Khi đó, TP HCM sẽ trở thành một “siêu đô thị” (megacity).
Cảnh quan phố cũ bị phá vỡ
PGS TS Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển cộng đồng
Đến nay chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm đến việc tạo điều kiện về pháp lý và cơ sở vật chất, tinh thần cho việc phát triển các khu ở với văn hóa và kiến trúc đa dạng như ở các nước Mỹ, Australia, Canada.
Bên cạnh đó, các công trình cao tầng đã và đang phá vỡ cảnh quan thống nhất của khu Chợ Lớn. Công trình đầu tiên phải kể đến là Thuận Kiều Plaza với 3 khối nhà cao 33 tầng. Công trình tiếp theo là đại lộ Đông Tây đã phá hủy hoàn toàn dãy phố cổ Trần Văn Kiểu nằm dọc kênh Tàu Hũ.
Tới đây cao ốc Trung tâm giao dịch thương mại vải sợi ở 922 Nguyễn Trãi với 35 tầng gần chợ Soái Kình Lâm và 2 khối nhà 30 tầng ở số 8 Hàm Tử nằm ngay trong hạt nhân khu phố cổ với kiểu thiết kế các khối chữ nhật cao vút rất hoành tráng. Trong tương lai, những công trình như thế sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường của phố cổ.
Vừa thiếu, vừa thừa quy hoạch
TS Võ Kim Cương, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM
TP HCM vừa thiếu, vừa thừa quy hoạch. Thiếu là do có nhiều khu vực có nhu cầu xây dựng nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, hoặc có nhưng không còn phù hợp. Thừa là có nhiều quy hoạch song hành, theo kiểu ai quản lý cái gì thì làm quy hoạch cái đó. Đã có quy hoạch đô thị, còn có thêm quy hoạch đất đai.
Tình trạng phân tán trong quy hoạch không những tạo ra những sản phẩm thừa, mà còn làm yếu lực lượng làm quy hoạch, phân tán thông tin và cơ sở dữ liệu. Về chất lượng, quy hoạch phục vụ nền kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản về phương pháp thiết kế và tổ chức thực hiện so với trước.
Tuy nhiên, cho đến nay phương pháp lập và triển khai thực hiện quy hoạch chưa đổi mới đáng kể, mới chỉ thấy những “méo mó” so với phương pháp cũ, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Nhiều đồ án quy hoạch chưa khả thi, chưa trở thành công cụ tham mưu chiến lược của chính quyền trong việc huy động, tổ chức và phân bổ lực lượng thực hiện công cuộc cải tạo và phát triển đô thị, có nguyên nhân từ việc chậm đổi mới phương pháp quy hoạch.
Nhược điểm của phương pháp cũ (quy hoạch tổng thể) là thiếu sự gắn kết giữa tổ chức không gian đô thị với việc tổ chức thực hiện quy hoạch. Tổ chức không gian phát triển (tổng mặt bằng) mang tính định hướng, cho biết tính “có thể” xây dựng của địa điểm, nhưng không cho biết ai làm và khi nào làm, nhất là không tính được kinh phí để thực hiện các công trình trong tổng mặt bằng đó. Vì những địa điểm “có thể” hầu như phủ kín thành phố, nên quy hoạch tổng mặt bằng thành phố bị coi là quy hoạch tràn lan.
TP HCM nên học hỏi Rotterdam
ThS, Kiến trúc sư Lý Khánh Tâm Thảo, Trường ĐH Văn Lang
Các phố ở khu trung tâm Amsterdam rất ổn định về mặt cấu trúc, các công trình phần lớn còn giữ nguyên hiện trạng và tạo thành một mảng trung tâm cũ chặt chẽ, toàn diện. Mặc dù kiến trúc đô thị cũ đã bị phá huỷ rất nhiều sau chiến tranh thế giới thứ hai, không gian đô thị hiện nay là sự đan xen các công trình lớn, cao tầng với một số công trình cũ được bảo tồn theo những quy luật nhất định về tổ chức không gian. Sự phát triển đồng bộ về giao thông và hạ tầng kỹ thuật đã làm cho Rotterdam trở thành một thành phố trẻ, năng động.
Trong khi đó, ở trung tâm cũ TP HCM, các phố đã biến đổi rất nhiều, chỉ còn lại một vài điểm công trình còn giữ được tính chất ban đầu nằm lọt thỏm, hay xen kẽ các mảng công trình xuống cấp.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận hình thái đô thị khu trung tâm cũ đã biến đổi và xu hướng phát triển là tất yếu để từ đó có chiến lược và chính sách định hướng chặt chẽ sự đầu tư phát triển trên nền đô thị hiện hữu này.
(Theo TBKTVN)