Quyết định mua nhà khi trong tay chỉ có 160 triệu đồng, chúng tôi phải ngủ dưới sàn nhà suốt 6 năm qua, chi tiêu dè sẻn để trả nợ tiền tỷ.
Chỉ có 160 triệu đồng vẫn liều mua nhà Hà Nội
Cách đây 6 năm, tôi tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm khi vừa tròn 23 tuổi. Chưa tới nửa năm sau, tôi kết hôn và quyết định mua một căn nhà tại Hà Nội để ổn định cuộc sống.
Lúc bấy giờ, khi nghe chuyện mua nhà của vợ chồng tôi ai cũng phản đối, có người còn mắng chúng tôi là "điên", thích sang chảnh... Bởi lẽ, khi đó chúng tôi chỉ có 50 triệu đồng tích từ tiền mừng cưới cùng 2,5 cây vàng của hồi môn.
Thời sinh viên, cả hai vợ chồng đều trải nghiệm cuộc sống ở trọ thiếu thốn, phòng chật hẹp, mùa mưa ẩm thấp, dột tứ bề, mùa hè thì nóng bức. Vì vậy, chúng tôi ước khi có điều kiện sẽ mua một căn nhà tại Thủ đô, nhỏ thôi cũng được nhưng là của riêng mình.
Kết hôn xong, có công việc ổn định, chúng tôi tính ngay tới việc mua nhà. Tôi khảo sát giá nhà đất và chung cư ở nhiều nơi song ưu tiên trong vòng bán kính 10km quanh nơi làm việc của hai vợ chồng (khu Kim Liên, quận Đống Đa).
Qua tìm kiếm tôi thấy nhà đất giá dưới 1 tỷ đồng khá nhiều nhưng chủ yếu là đất không có sổ đỏ, tọa lạc trong ngõ hẻm sâu. Trong khi đó, căn chung cư ở tầng cao nhất rộn gần 60m2 giá 1,150 tỷ đồng chưa có nội thất. Ưu điểm của căn hộ là nhà mới bàn giao nên chúng tôi có thể dọn về ở ngay.
|
Liều mua căn hộ khi trong tay chỉ có 160 triệu đồng, vợ chồng chị Phương ngủ sàn suốt 6 năm trời để dành tiền trả nợ. (Ảnh minh họa) |
Như vậy, nếu chọn mua căn hộ này, ngoài khoản tiền 160 triệu, chúng tôi sẽ phải vay tới gần 1 tỷ đồng.
Khi đó, thu nhập của chồng tôi là 11 triệu đồng/tháng, tôi 6 triệu đồng/tháng. Tôi nhẩm tính, nếu có nhà thì chúng tôi tiêu tốn khoảng 5 triệu đồng/tháng, tiết kiệm được 12 triệu, sẽ để dành được 180 triệu đồng mỗi năm để trả nợ nếu tính cả khoản thưởng lễ, Tết.
Để có tiền mua nhà, vợ chồng tôi vay bố mẹ hai bên và anh chị em ruột được 14 cây vàng, bán được 630 triệu đồng (45 triệu đồng/cây đối với vàng nữ trang). Bố mẹ chồng vay hộ 350 triệu nữa với lãi suất 10%/năm. Chồng tôi làm trong lĩnh vực xây dựng, thường trả lương 2-3 tháng một lần; lương tôi khá thấp, dùng để chi tiêu nên nếu vay ngân hàng sẽ rất khó cân đối chi trả hàng tháng. Vì thế, cả hai quyết định không vay ngân hàng mua nhà.
Tôi dự kiến ưu tiên trả trước khoản tiền vay lãi, vàng thì trả dần vì không phải chịu lãi suất. Mặt khác, tôi cũng tin rằng thu nhập của hai vợ chồng sẽ tăng lên, nhất là chồng tôi.
Thấy khả quan nên chúng tôi xuống tiền mua căn hộ chung cư nói trên. Kể từ khi cọc tiền tới lúc ký vào biên bản bàn giao khoảng gần 1 tháng. Sau đó vợ chồng tôi chuyển về ở.
Suốt 6 năm ngủ sàn nhà dành tiền trả nợ
Căn hộ mới chỉ khác phòng trọ cũ ở không gian rộng thoáng hơn, chứ nhà không có nội thất cơ bản. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất vui vì đó là nhà của riêng mình. Vấn đề là, khoản nợ mà hai vợ chồng phải gồng gánh lên tới gần tỷ đồng. Đây có lẽ là khoản nợ lớn nhất trong đời chúng tôi.
Sau khi mua nhà, vợ chồng chi tiêu dè sẻn, không ăn hàng, không mua sắm nên năm đầu tiên trả được 150 triệu đồng tiền gốc và cả khoản lãi. Khi đó, khoản nợ giảm còn 200 triệu đồng. Sang năm thứ hai, chúng tôi cũng tiết kiệm được khoản tiền tương đương nên khoản nợ chịu lãi suất còn 40 triệu.
Vợ chồng tôi phấn chấn hẳn vì sắp trả hết 350 triệu đồng tiền nợ. Thậm chí, tôi còn lập kế hoạch sắm nội thất cho căn hộ chung cư của mình.
Thế rồi, tôi phát hiện mang thai đôi 3 được tháng. Chi tiêu hàng tháng ngày càng tốn kém nên kế hoạch trả nợ đổ bể. Vì có việc cần dùng nên một vài người cho vay vàng cũng bắt đầu đòi trả. Chúng tôi buộc phải vay chỗ này đập vào chỗ nọ.
Sau đó, để chăm hai đứa con, tôi còn huy động cả bà nội xuống ở cùng. Khoản tiền dành trả nợ bị thâm hụt bởi tiền bỉm, sữa, quần áo, thuốc thang khi đau ốm... Sổ tiết kiệm từ lương chỉ còn 8 triệu đồng. Trong khoảng thời gian nghỉ thai sản, chúng tôi chỉ cất được 5 triệu đồng.
Áp lực trả nợ cộng với cảnh chăm con trong hoàn cảnh thiếu thốn, vợ chồng tôi gần như bị khủng hoảng. Đôi lúc, tôi thậm chí còn hối hận vì đã mua nhà sớm quá.
Sau gần 1 năm khi sinh con, hai vợ chồng quyết định tìm việc làm thêm mỗi tối để tăng thu nhập. Tôi tìm được công việc đính phụ kiện hạt, hoa vào quần áo thời trang theo mẫu. Tùy độ khó, tôi được trả 3.000-4000 đồng/sản phẩm. Đây là công việc thủ công nên tôi tận dụng được thời gian buổi tối.
Vợ chồng tôi và cả mẹ chồng đều làm công việc này, thay nhau trông con. Tôi thường xuyên thức tới 12 giờ đêm để làm, có hôm còn khâu tận 2-3 giờ sáng. Nhờ vậy, chúng tôi kiếm thêm 6-8 triệu đồng/tháng.
Tôi dùng khoản tiền làm thêm mua quần áo, bỉm, sữa cho con, nếu dư (1-2 triệu đồng) thì gom vào tiền trả nợ. Lúc này, tôi được tăng lương thêm 1 triệu, chồng tôi tăng lên 13 triệu đồng. Vì thế, chúng tôi để ra được một khoản tiền kha khá.
Rất may, giá vàng lúc mua để trả chỉ dao động từ 33-37 triệu đồng/lượng chứ không cao như khi vay vàng mua nhà. Vợ chồng tôi mất tròn 6 năm kể từ lúc mua nhà đến khi trả xong khoản nợ xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Giờ nghĩ lại, tôi không khỏi rùng mình khi suốt 6 năm cả nhà ngủ dưới sàn, trên nệm mỏng mua mấy trăm nghìn. Thậm chí, tủ quần áo cũng chỉ là tủ vải rẻ tiền. Chúng tôi chưa làm bếp, chỉ kê tạm bàn đặt bếp ga đun nấu. Ngoài phòng tắm được chủ đầu tư trang bị nội thất cơ bản, căn hộ không có giường tủ, bàn ghế, không Internet.
Phần lớn mọi người khi mua nhà đều phải vay người thân, bạn bè, ngân hàng. Vợ chồng tôi nếu được lựa chọn lại sẽ chỉ mua nhà khi có trong tay khoảng 500 triệu đồng chứ không liều lĩnh như 6 năm trước. Trả xong nợ, chúng tôi nhẹ cả người. Hiện tại, vợ chồng tôi dùng tiền dư mỗi tháng để sắm sửa nội thất, ổn định cuộc sống.