Anh Mạnh Hà (30 tuổi, hiện sống tại Gò Vấp, Tp.HCM) cho biết, các vị khách tới xem nhà anh vào ngày mưa đều không trở lại khi nhìn thấy hẻm vào ngập nước, rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt đường.
Sau đây là câu chuyện của anh Hà về việc nhà mất giá do hàng xóm lấn chiếm hẻm vào:
Năm 2012, em tôi vào đại học và bố mẹ quyết định mua cho chúng tôi một ngôi nhà ở quận Gò Vấp (Tp.HCM). Nhà xây 2 tầng, diện tích 32m2, nằm gần cuối hẻm cụt rộng 2,5m. Từ nhà tôi ra hẻm lớn khoảng 200m. Bảng chỉ dẫn lộ giới cho thấy, hẻm cụt này sẽ được mở rộng thành hẻm 5m. Tuy nhiên, tôi không biết đến bao giờ mới triển khai dự án mở đường.
Thế nên, các gia đình ở đây khi xây mới hay cải tạo nhà vẫn không chịu lùi vào 1,5 m theo như quy định lộ giới. Thậm chí, họ còn cố tình xây thêm ít tường rào cho hết đất. Diện tích xây thêm chỉ đủ để đặt một vài chậu cây cảnh, kệ giày dép hoặc để xe máy. Cũng có nhà xây đúng theo quy định lộ giới song lại làm thêm bậc tam cấp hoặc cầu dắt xe lấn ra ngoài. Việc lưu thông trên hẻm nhỏ vô cùng khó khăn khi bị các gia đình để thùng rác, xe máy, chậu cây bên ngoài. Nếu muốn chuyển đồ ra khỏi nhà hoặc chuyển đồ về nhà, mọi người ở đây phải thuê xe ba gác.
|
Ngôi nhà mất giá nếu tọa lạc trong ngõ, hẻm chật chội và ngập nước. (Ảnh: H.A) |
Năm ngoái, vào trước mùa mưa, người ta nâng cốt đường hẻm lớn bên ngoài lên khoảng 30cm khiến hẻm nhà tôi thành vũng trũng mỗi khi mưa lớn. Được chính quyền đồng ý, cuối năm ngoái, tổ trưởng dân phố đi vận động các hộ dân góp tiền nâng cao nền hẻm. Tổng chi phí dự trù hết khoảng 400 triệu đồng. Số tiền này không chia đều cho hơn 20 hộ trong hẻm mà nhà nào có phòng trọ cho thuê hoặc đông người hơn sẽ phải đóng nhiều hơn.
Hầu hết mọi người đều không đồng ý với phương án này. Bà cụ sát vách nhà tôi cho hay, gia đình bà vừa tự nâng nền đường ở trước cửa rồi nên bà chỉ hỗ trợ 1-2 triệu đồng nếu khu phố nâng nền cả hẻm. Chưa kể, hàng xóm còn rỉ tai nhau rằng, chắc chắn có tiêu cực nên chi phí mới cao thế. Họ dứt khoát không đóng kinh phí nâng hẻm. Ngoài ra, một số gia đình không muốn nâng nền đường bởi họ không thích nâng nền nhà theo. Tính ra, chỉ có 5 hộ gia đình (có anh em tôi) đồng ý đóng tiền để nâng nền hẻm. Cho đến thời điểm hiện tại, việc nâng nền hẻm vẫn bị bỏ ngỏ bởi thiếu sự đồng thuận giữa các hộ dân.
Không thích phải lội nước mỗi khi trời mưa to, tôi muốn bán ngôi nhà đang ở và chuyển vào gần trung tâm thành phố. Anh em tôi dự tính mua căn hộ chung cư để có thể đi xe hơi về tận nhà. Hẻm tôi ở từng có ông say rượu đi xe máy về khuya ngã vào thùng rác ven đường. Thực sự, tôi không muốn mình cũng rơi vào cảnh đó.
Tháng trước, ở hẻm bên cạnh (không bị ngập nước và xe hơi vào ra được), một ngôi nhà rộng 35m2, xây 1 trệt 1 lầu được bán với giá 2 tỷ đồng. Trong khi đó, khách tới xem nhà tôi chỉ trả nhiều nhất là 1,4 tỷ bởi lối vào vừa nhỏ chật vừa bẩn thỉu. Đặc biệt, những vị khách tới xem nhà trong ngày mưa đều một đi không trở lại khi chứng kiến hẻm ngập nước, rác thải lênh láng trên đường. Trong mùa mưa năm nay, tôi không hy vọng mình sẽ bán được nhà nếu nền hẻm chưa được nâng cao. Lẽ nào để bán nhà được giá, tôi phải tự bỏ tiền túi ra nâng nền hẻm?
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch, GS. Vũ Gia Hiền, việc các gia đình lấn chiếm không gian công cộng xây bậc tam cấp, đặt chậu cây hoặc "thò" ban công ra ngoài thể hiện tâm lý không chịu lùi, không chịu thua ai của người Việt. Họ không thể không lấn thêm ra một chút. Những ngôi nhà trong ngõ nhỏ Hà Nội trước đây thường xây lấn không gian trên tầng cao. Vì thế, các ngõ ở Hà Nội khá thẳng. Còn tại Tp.HCM, người dân lại xây lấn dưới mặt đất. Do đó, những ngôi nhà ở Tp.HCM thường thò ra, thụt vào, các con hẻm ngoằn ngoèo, chật chội, bẩn thỉu. Hiện tại, đã có luật quy định cụ thể thì các gia đình phải tuân theo luật.
Ông Hiền cho biết, khoảng một thập kỷ trước, quận Phú Nhuận có phong trào hiến đất để hẻm rộng, các hộ dân tự động lùi nhà vào và nhà nước sẽ hỗ trợ làm đường bê tông. Thế nhưng, phong trào này sau đó không được phát triển. Bởi lẽ, xã hội ngày càng sòng phẳng, người dân tất yếu sẽ tính toán mình được đền bù những gì khi hiến đất cho hẻm.
GS. Vũ Gia Hiền nhận định: "Trong mối quan hệ với cộng đồng, nhìn chung người Việt có tâm lý khá lạc hậu là sạch nhà bẩn ngõ, vì thế mà người ta chỉ chăm chút cho ngôi nhà của mình mà mặc kệ cái ngõ đi vào, dù việc làm sạch ngõ là trách nhiệm của chính cư dân ở đó".
Dưới góc độ của một nhà đầu tư bất động sản cá nhân tại Tp.HCM, ông Nguyễn Xuân Thảo cho hay, ở cùng một khu vực, giá đất ở các hẻm ô tô có thể vào ra được thường cao hơn giá đất trong hẻm nhỏ từ 30-40%. Theo ông Thảo, mặc dù các gia đình sống lâu ngày trong hẻm ngập nước buộc phải quen với hoàn cảnh nhưng khách mua nhà không dại gì xuống tiền để sở hữu những ngôi nhà như thế.
|