Anh Phan Hòa (38 tuổi, hiện sống tại Tp.HCM) đã quyết định vay tiền mua nhà giữa cơn sốt đất. Lúc bấy giờ anh nghĩ rằng, nếu đến hạn mà không có tiền trả thì mình sẽ bán nhà, đằng nào mà chả có lãi.
Sau đây là chia sẻ của anh Hòa về kinh nghiệm mua nhà giữa cơn sốt đất:
Vợ chồng tôi bán hàng ăn sáng tại quận 7 (Tp.HCM). Chúng tôi lãi khoảng 20-25 triệu đồng/tháng sau khi trừ đi các khoản phí như điện nước, nhân công, tiền thuê mặt bằng. Tại quận 7, tôi còn có một dãy 12 phòng trọ trên diện tích đất 95m2. Mỗi tháng, tôi thu về 18 triệu đồng từ cho thuê phòng trọ. Tuy nhiên, mảnh đất đang dính tranh chấp nên chúng tôi không thể xây dựng, sửa chữa hay giao dịch. Trước đây, bố mẹ tôi được người quen gán nợ mảnh đất này. Khi kết hôn, ông bà cho tôi mảnh đất để lấy vốn làm ăn. Từ năm 2005 đến nay, việc kiện tụng 3 bên vẫn chưa thể giải quyết được.
Chúng tôi lấy 2 phòng trọ để ở khi còn làm công ăn lương. Tuy nhiên, đến năm 2012, vợ chồng tôi quyết định nghỉ việc và kinh doanh hàng ăn nên phải ra ngoài thuê mặt bằng. Tôi thuê một căn nhà lớn để vừa ở kết hợp kinh doanh cho thuận tiện. Thế nhưng, chủ nhà liên tục tăng tiền thuê nhà sau mỗi một năm hợp đồng. Thậm chí, thấy chúng tôi buôn bán tốt họ còn đòi lấy lại nhà.
Tháng 3/2017, sau ba lần phải chuyển địa điểm bán hàng, vợ chồng tôi quyết tìm mua nhà bởi chủ nhà đòi lại mặt bằng (giá thuê mặt bằng 12 triệu đồng/tháng). Khi đó, trong tay tôi có khoảng 700 triệu đồng. Theo dõi thị trường bất động sản từ năm 2016, tôi thấy giá đất không ngừng "leo thang". Tôi có linh cảm mình sẽ thành công nếu rót tiền vào kinh doanh địa ốc. Vợ chồng tôi tìm được một ngôi nhà trên diện tích đất 42m2 nằm trong một con hẻm rộng ở đường Huỳnh Tấn Phát quận 7, ô tô ra vào thoải mái. Nhà xây 1 trệt, 1 lửng, 1 lầu. Hàng quán tại hẻm này khá sầm uất, rất phù hợp để chúng tôi mở hàng ăn. Chủ nhà cho biết, nếu tôi mua họ sẽ bán 3,2 tỷ đồng, còn thuê thì 13 triệu đồng/tháng.
|
Người mua sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro về sau khi mua nhà giữa cơn sốt đất. Trong ảnh: Một con hẻm thuộc đường Huỳnh Tấn Phát tại quận 7, Tp.HCM. (Ảnh: Ha). |
Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định mua ngôi nhà này. Tôi vay bố mẹ, anh em họ hàng mỗi người vài chục được 300 triệu đồng; vay bạn thân 1 tỷ đồng. Mặt khác, tôi còn vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng trong 20 năm và lấy chính ngôi nhà đó để thế chấp. Song, anh bạn chỉ cho tôi vay 1 năm không lãi rồi lấy về làm vốn kinh doanh.
Tính ra, mỗi tháng chúng tôi trả lãi lẫn gốc ngân hàng khoảng 13 triệu đồng. So với tiền thuê mặt bằng, số tiền này chỉ nhỉnh hơn chút. Tôi thu về khoảng 3-4 triệu đồng/tháng khi cho thuê lại tầng lầu. Nếu cố gắng chi tiêu tằn tiện, sau 1 năm, tôi có thể trả bạn 300 triệu đồng. Đồng thời, tôi sẽ đi vay ai đó để bù vào trả bạn số tiền còn thiếu. Trường hợp xấu nhất không vay ai được thì tôi sẽ bán nhà, thế nào cũng có lãi.
Người thân và đa số bạn bè đều ủng hộ kế hoạch của vợ chồng tôi. Theo mọi người, "mua là được, đất chỉ có lên chứ không xuống".
Việc kinh doanh khá thuận lợi, khách đến ăn sáng khá đông. Thậm chí, khách cũ từ địa điểm trước cách chỗ mới 2km vẫn thi thoảng sang quán ăn. Chúng tôi cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Trước Tết âm lịch, tôi trả bạn được 280 triệu đồng. Hàng tháng tôi vẫn trả gốc và lãi cho ngân hàng đều đặn. Trong khi đó, tiền người thân cho vay thì tôi chưa trả ai.
Hồi tháng 3/2018, vợ tôi bị đau ruột thừa phải phẫu thuật và nằm viện 1 tuần, tốn hơn 50 triệu đồng. Để vợ hồi phục hoàn toàn, chúng tôi đóng cửa hàng thêm 1 tuần nữa, mất khoảng 20 triệu đồng. Chưa kể, khi vợ hồi phục rồi, tôi cũng buộc phải giảm số lượng hàng bán ra mỗi ngày vì sợ cô ấy mất sức, đổ bệnh.
Khi đó, thời hạn trả tiền bạn cũng đến. Tuy nhiên, thấy vợ tôi đang bệnh nên anh bạn chưa lấy tiền ngay. Nhờ đó, tôi có thêm vài tháng để xoay xở. Hỏi vay vài nơi nhưng không được, tôi quyết định rao bán nhà. Thế nhưng, dường như người mua bắt đầu đắn đo, cẩn trọng khi giá nhà đã lên quá cao. Trước đây, khi mới nhận nhà, có khách cứ đòi mua lại với giá 3,3 tỷ đồng. Sau 2 tháng rao bán, vẫn chưa có khách nào thực sự có thiện chí mua nhà. Trong khi đó, dân đầu cơ có tìm đến xem nhưng họ cố tình dìm giá, trả 2,8 tỷ đồng song tôi không bán. Tôi cũng không thể thất hứa với bạn. Giờ cứ nghĩ tới chuyện nhà cửa, nợ nần là tôi lại đau đầu. Nếu có người mua dãy phòng trọ kia thì tôi sẽ không phải bán đi ngôi nhà mà gia đình đang ở. Tôi ước gì ngày trước không mạo hiểm mua nhà giữa cơn sốt đất thì tốt biết mấy.
Giám đốc một công ty dịch vụ và tư vấn nhà đất tại Tp.HCM, ông Nguyễn Tiến Dũng cho hay, lượng hợp đồng giao dịch thành công từ tháng 4 trở lại đây đã giảm hẳn so với trước. Vị này nhận định: "Tôi nghĩ đây cũng là tình hình chung của thị trường bất động sản Sài Gòn. Khi giá quá cao, nhiều người mua sẽ dừng lại chờ giá xuống. Trước đây, giá đất tăng nhanh, phần lớn do giới đầu tư mua đi bán lại. Ví dụ, hồi tháng 6/2017, một khách hàng của tôi mua một căn nhà 41m2 tại Tân Thuận Tây với giá 1,6 tỷ. Tôi giới thiệu khách cho anh ta, bán được 1,82 tỷ sau 3 tháng. Người mua nhà mới này lại nhờ tôi giới thiệu khách mua giúp, và anh ta đã bán được 1,95 tỷ chỉ sau 1 tháng mua".
Đáng chú ý là, sau Tết Nguyên đán, giới đầu cơ rút chân khỏi thị trường bởi các ngân hàng siết chặt cho vay bất động sản bằng cách tăng thêm lãi suất, định giá nhà đất thấp hơn giá thị trường, không có gói vay ưu đãi cho vay mua bất động sản hoặc cho vay với tỷ lệ thấp hơn. Bên cạnh đó, những người có nhu cầu mua ở thực cũng cân nhắc hơn khi vay ngân hàng.
Theo ông Dũng, việc mua nhà giữa cơn sốt giá không phải là lựa chọn tối ưu. Anh Hòa nên thuê nhà để kinh doanh sẽ hợp lý hơn. Anh vẫn quyết tâm mua nhà dù biết sau 1 năm phải trả bạn tiền vay là quá mạo hiểm.
|