Dù chỉ có một khoản tiền tiết kiệm nhỏ, chị Thu Nguyệt (TP. Hòa Bình) vẫn quyết định chọn gói vay trong vòng 5 năm để mua nhà. Từ đó, chị buộc mình phải tiết kiệm và cắt giảm tối đa mọi khoản chi tiêu.
Sau đây là chia sẻ của chị Nguyệt về câu chuyện mua nhà của mình:
Năm 2013 tôi kết hôn, sang năm 2014 thì sinh em bé. Tuy ở cùng bố mẹ chồng từ khi mới cưới nhưng nhà còn có em trai, em gái chồng nên chúng tôi cũng muốn mua nhà riêng. Hai vợ chồng dự định mua một căn nhà nhỏ trong ngõ, tầm 700 triệu đồng trong vài năm nữa. Lúc bấy giờ, vợ chồng tôi chỉ mới tiết kiệm được 100 triệu đồng.
Tuy vậy, khi biết thông tin một dự án nhà ở mặt đường thuộc khu đân cư mới sắp xây xong, tôi bàn với chồng mua luôn. Ngôi nhà cao 2 tầng rưỡi, rộng 60m2 có giá 1,2 tỷ đồng. Dãy phố này có khoảng 20 nhà nên tôi tính sau này sẽ cho thuê tầng 1, kiếm thêm thu nhập hàng tháng.
Để mua nhà, hai vợ chồng vay mượn người thân được thêm 300 triệu đồng, vẫn còn thiếu 800 triệu nữa. Vì làm ở ngân hàng nên tôi được vay với mức lãi ưu đãi. Do đó, chúng tôi quyết định vay ngân hàng 800 triệu đồng và trả trong 5 năm, tài sản thế chấp là ngôi nhà của bố mẹ chồng. Sở dĩ tôi chọn thời hạn trả ngắn là để ép bản thân phải tiết kiệm, có kế hoạch chi tiêu rõ ràng chứ không mua bán tùy tiện như trước đây.
|
Chị Nguyệt học được cách chi tiêu tiết kiệm, quản lý tài chính tốt hơn sau khi vay tiền mua nhà. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Tổng lương của vợ chồng tôi khi đó là 22 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, tôi trả gốc ngân hàng 13,3 triệu đồng, cộng với tiền lãi (giảm dần theo dư nợ). Khoảng thời gian tôi phải trả tiền ngân hàng cao nhất là 17 triệu đồng/tháng. Ngoài 1 triệu đưa cho chồng chi tiêu, 4 triệu còn lại tôi dành cho mọi khoản trong gia đình.
Con tôi bú sữa mẹ hoàn toàn trong năm đầu nên tôi chỉ tốn tiền mua quần áo, bỉm. Tôi luôn cố gắng ăn nhiều và đủ chất để duy trì nguồn sữa cho con. Tôi đều đặn nấu cơm ăn từ sáng đến tối và từ chối mọi lời mời ăn sáng với bún chả, bánh mỳ hoặc bữa trưa ở ngoài. Thói quen ra ngoài ăn sáng của vợ chồng tôi trước đây cũng bỏ hoàn toàn.
Với khoản lương kha khá, trước đây tôi thường tốn tiền cho mỹ phẩm, quần áo, cuối tuần đi siêu thị hoặc xuống Hà Nội ăn chơi. Thế nhưng, từ khi vay tiền mua nhà, tôi cắt giảm mọi nhu cầu tới mức tối đa. Hàng tháng, tôi chỉ cho phép mình mua cho bản thân không quá 300.000 đồng.
Bố mẹ cũng gửi cho tôi một ít thực phẩm, rau sạch nên khoản chi phí cho ăn uống hàng ngày cũng đỡ. Tôi mặc định tiền ăn mỗi ngày từ 80.000-90.000 đồng. Nhờ tiết kiệm từ ăn uống, mua sắm, vui chơi, điện nước sinh hoạt, tôi tiêu vừa vặn số tiền còn lại sau khi trả nợ đều đặn cho ngân hàng. Cuối năm, tiền thưởng được vài chục triệu tôi gửi tiết kiệm ngân hàng, phòng khi bệnh tật, đau ốm. Tôi tuyệt đối không dùng số tiền này cho sinh hoạt hàng ngày.
Tôi cho thuê lại mặt bằng tầng 1 với giá 2,5 triệu/tháng từ năm ngoái. Khoản thu này vừa vặn với tiền học phí trường tư của con gái 3 tuổi. Hàng tháng tôi trả ngân hàng khoảng 15 triệu đồng vì lãi suất giảm dần. Tôi dành tiết kiệm 2 triệu dư ra. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là tôi trả hết lãi ngân hàng.
Có thể nói, bản thân tôi đã thay đổi rất nhiều từ lúc vay tiền mua nhà. Tôi đã biết chi tiêu tiết kiệm hơn, không còn suốt ngày quần áo, mỹ phẩm, ăn chơi, du lịch như trước. Cho đến khi ở trong hoàn cảnh này, tôi chưa từng nghĩ mình có thể làm được như vậy. Vợ chồng tôi dự tính sẽ mua thêm một căn nhà nữa gần đó sau khi trả hết nợ mua ngôi nhà đang ở. Với tôi mà nói, thêm một thời gian "còng lưng trả nợ" nữa cũng không phải là vấn đề lớn bởi sau gần 4 năm "thắt lưng buộc bụng" tôi tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm trong việc chi tiêu, quản lý tài chính.