Một ngôi nhà thoáng đãng, mát mẻ, ngập tràn không khí trong lành không chỉ gây được thiện cảm mà còn góp phần đảm bảo sức khỏe của những người sống trong đó. Dưới đây là những gợi ý giúp ngôi nhà luôn thông thoáng tự nhiên mà bạn có thể áp dụng để nâng cao chất lượng không gian sống.
Thông gió tự nhiên là gì?
Thông gió là quá trình thay đổi hoặc thay thế không khí trong một không gian bằng lượng không khí chất lượng cao để kiểm soát nhiệt độ, bổ sung oxy hoặc loại bỏ hơi nóng, vi khuẩn, khói bụi, mùi hôi, độ ẩm… trong không khí. Mục đích của việc sử dụng hệ thống thông gió là để duy trì sự lưu thông không khí và ngăn chặn tình trạng trì trệ của không khí bên trong.
Có 2 cách thông gió thường được áp dụng trong thiết kế, thi công nhà, đó là thông gió cưỡng bức (thông gió chủ động) và thông gió tự nhiên (thông gió thụ động).
Với thông gió cưỡng bức, con người phải nhờ tới sự trợ giúp của các thiết bị cơ khí như quạt hút, đẩy, điều hòa không khí… để đảm bảo quá trình trao đổi khí giữa bên trong và bên ngoài nhà.
Trong khi đó, thông gió thụ động là cách làm cho không khí giữa bên trong và bên ngoài một không gian được trao đổi với nhau mà không cần dùng tới các hệ thống cơ khí.
|
Hình ảnh minh họa về thông gió tự nhiên. |
Nguyên tắc cơ bản của thông gió tự nhiên là sự trao đổi không khí giữa bên trong và bên ngoài nhà, đảm bảo gió có thể vào được và cũng có thể ra được. Các dạng thông gió tự nhiên thường gặp được thực hiện thông qua các cửa ra vào, cửa sổ có thể mở được hoặc thông qua sự chênh lệch về nhiệt độ và áp suất giữa bên trong và bên ngoài.
Tầm quan trọng của thông gió tự nhiên với nhà ống
Ở nước ta, đặc biệt là tại những đô thị lớn, các công trình nhà ống thường mang đặc điểm kín gió, bị bao vây bởi những ngôi nhà lân cận nên rất bí bách, lượng khí “tươi” từ bên ngoài vào rất ít. Tình trạng này nếu kéo dài không chỉ khiến những người sống trong nhà cảm thấy tù túng, khó chịu mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngày nay, các ngôi nhà thường sử dụng điều hòa, quạt điện để làm lạnh không khí, mang lại cảm giác mát mẻ cho không gian sống. Tuy nhiên, hệ thống điều hòa không khí hay quạt điện tiêu thụ lượng điện năng không nhỏ. Hơn nữa, các nghiên cứu sinh học đều chỉ ra rằng hít thở trong bầu không khí tự nhiên sẽ tốt hơn cho sức khỏe của con người. Vì vậy, việc áp dụng các giải pháp thông gió tự nhiên là một trong những vấn đề cấp bách cần được đặt lên hàng đầu khi thiết kế và thi công nhà ống nhằm tạo ra bầu không khí trong lành, tiết kiệm năng lượng, đồng thời bảo vệ sức khỏe của con người.
Những giải pháp thông gió tự nhiên cho nhà ống
Giải pháp cảm giác và màu sắc
Dù chỉ là một thủ thuật đánh lừa cảm giác của con người nhưng phải thừa nhận rằng, cách làm này mang lại hiệu quả ngay tức thì. Về nguyên tắc, sơn tường nhà bằng những gam màu nhạt, màu lạnh bao giờ cũng tạo cảm giác mát mẻ, thông thoáng hơn. Ngay cả khi lựa chọn nội thất cũng cần tính tới độ cân bằng màu về tỷ lệ và sắc, việc sử dụng quá nhiều màu nóng sẽ gây cảm giác nặng nề cho không gian chứa đựng nó.
Bố trí cửa ra vào hợp lý
Việc thiết kế nhà, bố trí cửa ra vào hợp lý giúp không khí trong nhà dễ dàng lưu thông, tăng cường sự trao đổi không khí giữa bên trong và bên ngoài. Cửa trước và cửa sau nhà nên được bố trí lệch nhau, không nằm đối diện để không khí có thể lưu thông và trao đổi một cách tuần hoàn. Cửa hút gió vào nhà cần được bố trí ở vị trí đầu gió và tại phía chân tường, trong khi đó, cửa để gió thoát ra ngoài cần được bố trí ở cuối hướng gió và ở điểm cao hơn trong phòng. Tránh bố trí cửa đón gió, cửa thoát gió ở cùng một phía vì sẽ khiến gió bị quẩn, không lưu thông được.
Đối với nhà ống, nhà phố chật, nếu phía sau và hai bên đều sát nhà hàng xóm, bạn nên chừa lại một khoảng diện tích nhỏ (tối thiểu 60cm) làm sân sau nhà để có thể mở cửa thoát gió ra ngoài.
Thiết kế giếng trời
Ngoài cách mở thêm cửa sau thì giếng trời được xem là giải pháp thông gió phù hợp và hiệu quả nhất đối với nhà ống, nhà phố. Nhưng chỉ giếng trời thôi chưa đủ, cần mở thêm cửa ở mặt tiền, mặt sau hoặc bên hông nhà (nếu có thể) để gió lùa vào từ cửa và thoát ra qua cửa sổ trên mái giếng trời. Ngoài tác dụng thông gió, đón sáng cho nhà ống, khoảng giếng trời còn được tận dụng để bố trí tiểu cảnh, mang màu xanh tươi mát vào nhà.
|
Giếng trời là giải pháp mang tính kỹ thuật và mỹ thuật cho nhà ống và thường được bố trí ở khoảng giữa nhà. |
Với nhà ống ngắn thì chỉ cần thiết kế một giếng trời là đủ, giếng trời này chính là lối thoát khí nóng trong nhà. Để lấy gió vào, cần lấy theo phương ngang (hướng có gió), chẳng hạn ở tầng trệt, cửa trước luôn mở để đón gió và đẩy không khí nóng ra khỏi nhà qua giếng trời. Nếu nhà có nhiều tầng, cần lấy thêm gió theo phương ngang ở tầng trên nhờ hệ thống cửa sổ, cửa mở ra ban công.
Với nhà ống dài, nên kết hợp hai giếng trời - một ở khoảng giữa và một ở cuối nhà. Trong trường hợp này, một giếng trời có nhiệm vụ đón gió vào và một giếng trời có nhiệm vụ đưa gió ra. Theo nguyên tắc cân bằng áp suất tự nhiên trong không khí, gió sẽ luân chuyển tuần hoàn theo đường parabol giúp không gian bên trong luôn thoáng đãng.
Thông gió bằng cửa sổ
Nhiều người thường chỉ chú trọng đến giải pháp thông gió bằng cửa ra vào hay giếng trời mà coi nhẹ tầm quan trọng của những ô cửa sổ trong nhà vì cho rằng hệ thống cửa sổ không giúp ích được nhiều. Trên thực tế, những ô cửa sổ sẽ là hệ thống đón gió hoặc thoát gió giúp điều hòa nhiệt độ, mang lại bầu không khí trong lành, thoải mái cho ngôi nhà. Do vậy, hãy thường xuyên mở cửa sổ để đón “gió tươi” vào nhà.
Với nhà xây mới, nên duy trì chiều cao bệ cửa tối thiểu 1,1m để không khí dễ đi vào nhà, đồng thời giảm tải nhiệt thoát ra trên trần nhà. Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng có gió mùa nên có thể dùng cửa 2 lớp gồm lớp kính bên trong để đón sáng và cửa chớp bên ngoài để che nắng, thông hơi.
Khoảng thông nhau giữa các phòng
Với nhà ống có nhiều phòng, bạn nên bố trí khoảng thông nhau kéo dài giữa các phòng và mở cửa trên bề mặt này để tạo thành trục lưu thông không khí xuyên suốt mọi không gian giúp trong nhà trở nên thông thoáng, mát mẻ.
Tận dụng tối đa hệ lam thay cho tường, vách ngăn
Bạn có thể thay thế các bức tường hoặc vách ngăn trong nhà bằng hệ lam với họa tiết đẹp mắt. Giải pháp này cho phép không khí dễ dàng luân chuyển qua những khoảng hở từ hệ lam và tạo nên nét đẹp độc đáo cho ngôi nhà nhờ những họa tiết bắt mắt được sử dụng cho hệ lam.
Sử dụng nội thất thông minh
Không khí trong nhà sẽ dễ dàng luân chuyển hơn khi bạn lựa chọn những nội thất với kiểu dáng thanh thoát, có nhiều khoảng hở xen kẽ như đồ mây tre đan. Ngoài ra, cần hạn chế trang bị quá nhiều đồ dùng trong các phòng chức năng, đặc biệt là những căn phòng hẹp, đồng thời mạnh dạn vứt bỏ những đồ đạc không dùng đến để căn phòng trở nên thông thoáng hơn.
Gạch bông gió
Gạch bông gió (gạch thông gió, gạch ô thoáng) ngoài mang lại giá trị thẩm mỹ, thân thiện với môi trường còn có tác dụng làm giảm sự bí bách cho không gian. Việc sử dụng gạch bông gió cho mặt tiền nhà hoặc làm vách ngăn giữa các phòng cho phép không khí dễ dàng lưu thông giữa hai không gian bên trong và bên ngoài, giúp ngôi nhà trở nên sáng sủa và thông thoáng hơn, từ đó thiết kiệm được chi phí làm mát và chiếu sáng nhà.
Lưu ý:
- Hệ thống thông gió được lựa chọn cần phù hợp với diện tích, kiểu dáng nhà, điều kiện tự nhiên và hài hòa với các chi tiết trong ngôi nhà.
- Nhiều hệ thống thông gió có thể gây ra tình trạng hắt nắng, hắt mưa, là đường để khói bụi, côn trùng, sinh vật bên ngoài xâm nhập vào. Do vậy, bạn cần thiết kế thêm cửa, nắp đậy để chủ động đóng lại khi cần thiết.
- Nhà ống có đặc điểm là khá bí nên cần có hệ thống thông gió ở nhiều nơi để không khí trong lành được lan tỏa khắp nhà, tránh tình trạng không đồng đều giữa các phòng.