Trong bối cảnh "đất chật người đông", nhà ống là một trong những kiểu kiến trúc được ưa chuộng tại Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Tp.HCM và Hà Nội. Tuy rất phổ biến nhưng không phải gia chủ nào cũng biết cách thiết kế nhà ống sao cho vừa đảm bảo cả về công năng lẫn tính thẩm mỹ.
Trong phạm vi bài viết này, Dothi.net xin chia sẻ tới quý độc giả những nguyên tắc bắt buộc phải biết khi thiết kế nhà ống.
Ưu, nhược điểm của nhà ống
Về cơ bản, kiến trúc nhà ống có những ưu nhược điểm như sau:
Ưu điểm:
- Thiết kế nhà ống khá đơn giản, không cầu kỳ, dễ thi công, thời gian thi công nhanh và sớm đưa công trình vào sử dụng;
- So với thiết kế nhà phố tân cổ điển, nhà biệt thự, kinh phí xây dựng nhà ống không quá cao nên phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều gia đình, nhất là đối với các cặp vợ chồng mới cưới, những người có thu thập trung bình - thấp trong xã hội.
|
Thiết kế nhà ống ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là tại các thành phố, khu đô thị. |
Nhược điểm:
- Thiết kế nhà ống thường khá giống nhau, không khác biệt là mấy;
- Nhà ống xây san sát với các công trình bên cạnh nên khó mở cửa sổ hông, điều này khiến độ thoáng sáng của công trình bị hạn chế;
- Kiến trúc nhà ống dạng hình chữ nhật thường gặp phải tình trạng cộng hưởng âm thanh, nhà vọng và ồn;
- Nhà ống thường có nhiều tầng nên ảnh hưởng nhất định tới việc đi lại, vận chuyển đồ đạc, đặc biệt là đối với gia đình có người già và trẻ nhỏ.
Những nguyên tắc cơ bản khi thiết kế nhà ống
Xác định rõ các khu vực chức năng trong nhà:
Đối với nhà ở nói chung và nhà ống nói riêng, việc xác định rõ các khu vực chức năng khi thiết kế là khâu vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải gia chủ nào cũng tự mình làm được điều này. Vì thế, bạn nên tham vấn ý kiến người có chuyên môn xây dựng, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm.
Nhà ống thường hẹp ngang nên việc phân chia phòng được ví như những cái hộp nhỏ đựng trong một chiếc hộp lớn vậy. Nếu phân tách không khéo léo, hợp lý sẽ dẫn tới tình trạng thiếu sáng, ngột ngạt, bí bức. Thế nên, việc sử dụng các vách ngăn thấp, nhẹ hoặc kiến trúc lệch tầng luôn được các kiến trúc sư khuyến khích trong thiết kế nhà ống.
Đặc biệt, nhà ống chỉ có một mặt thoáng nên việc bố trí cửa đi, các khu vực chức năng như phòng ngủ, phòng bếp sao cho vừa đảm bảo công năng vừa hợp phong thủy là điều không hề dễ dàng. Thực tế cho thấy, kiến trúc sư và thầy phong thủy thường "đối đầu" nhau trong vấn đề này. Tuy nhiên, để cầu toàn cả hai là là việc rất khó, gia chủ nên lựa chọn một cách tương đối, phù hợp với nhu cầu sử dụng của các thành viên trong gia đình.
|
Cần có sự thống nhất tuyệt đối giữa gia chủ và kiến trúc sư khi xác định các khu vực chức năng trong thiết kế nhà ống. |
Cần thiết kế giếng trời:
Có thể nói, một không gian sống thoáng đãng, đủ ánh sáng và giàu sinh khí là mong muốn của mọi gia chủ đối với ngôi nhà của mình, nhất là với nhà ống vốn khá gò bó, bí bức. Vậy nên, dù diện tích có hạn hẹp đến mấy thì bạn vẫn nên dành một phần diện tích nhất định ở sân trước, sân sau hoặc giữa nhà, thậm chí là thu nhỏ diện tích phòng để thông gió và lấy sáng cho ngôi nhà. Việc này không chỉ tạo cảm giác thoải mái cho các thành viên sống trong nhà mà còn rất có lợi đối với sức khỏe.
Chính vì vậy, giếng trời là chi tiết không thể thiếu đối với kiến trúc nhà ống. Ngoài chức năng lấy sáng tự nhiên, đối lưu không khí cho không gian nội thất, giúp chủ nhân tiết kiệm chi phí cho năng lượng điện tiêu thụ, giếng trời còn giúp thu hút sinh khí tốt, có lợi về mặt phong thủy.
Ngoài ra, giếng trời còn là yếu tố trang trí, xua tan sự khô khan, tẻ nhạt của kiến trúc nhà ống. Tại khu vực này, chủ nhân có thể bố trí tiểu cảnh cây xanh, bể cá cảnh nhỏ xinh giúp không gian sống trở nên sinh động hơn.
Lưu ý là, tùy vào diện tích và hình dạng lô đất, gia chủ nên tính toán chi tiết vị trí, diện tích dành cho giếng trời sao cho phù hợp, hài hòa với tổng thể kiến trúc chung.
Hài hòa với khu vực xung quanh:
Đây là nguyên tắc thiết kế nhà ống thường bị gia chủ bỏ qua. Một ngôi nhà đẹp không chỉ ở kiến trúc, cách bài trí nội thất mà còn phải hài hòa với khu vực xung quanh. Thế nhưng, bạn không nhất thiết phải theo kiểu đồng bộ, giống hệt những ngôi nhà bên cạnh hoặc trong khu vực dân cư. Tuy nhiên, việc sử dụng màu sắc quá chói hoặc thiết kế cầu kỳ, phức tạp cũng không được khuyến khích đối với nhà ống.
Hiện nay, nhà phố thường chen chúc, được xây dựng san sát nhau hoặc nhà này chung tường nhà kia nên khó tránh khỏi đụng chạm với hàng xóm. Vì vậy, trước khi khởi công, gia chủ nên nói chuyện cũng như kiểm tra hiện trạng công trình của họ để tránh xảy ra những xung đột, cãi vã không đáng trong quá trình xây dựng. Đồng thời, chủ nhà cần tuyệt đối tránh làm ảnh hưởng tới các ngôi nhà xung quanh, hạn chế những sự cố cho nhà mình như thấm tường, nứt tường...
Cùng với đó, thiết kế nhà ống cũng cần chú trọng tới mảng xanh cho không gian sống. Những chậu cảnh nhỏ xinh, vài loại cây thân leo trang trí ban công, giếng trời kết hợp tiểu cảnh... cũng đủ để giúp ngôi nhà bạn trở thành chốn đi về bình yên, xanh mát.
|
Một ngôi nhà ống đẹp không chỉ ở kiến trúc, cách bài trí nội thất mà còn phải hài hòa với khu vực xung quanh. |
Tránh thay đổi nhiều trong thiết kế, thi công:
Chúng ta đều biết, việc gia chủ tham gia bàn bạc, góp ý với kiến trúc sư về ngôi nhà mình mong muốn là điều đương nhiên. Trước đó, bạn cần tìm hiểu kỹ, trao đổi, thống nhất với các thành viên trong gia đình để đưa ra ý tưởng thiết kế cuối cùng với kiến trúc sư. Ngay từ đầu, chủ nhà và kiến trúc sư nên thống nhất ý tưởng, tránh việc đưa ra những ý kiến gây xáo trộn trong quá trình thiết kế, thi công.
Trên thực tế, nhiều chủ nhà trong quá trình thi công đã tự ý thêm bớt, cắt gọt bản vẽ thiết kế của kiến trúc sư khiến công trình thiếu hài hòa, khập khiễng giữa không gian bên trong với phần ngoại thất. Thậm chí, không hài lòng với "sản phẩm" cuối cùng, một số gia chủ còn cho sửa chữa ngay khi vừa mới xây xong, điều này gây lãng phí rất lớn về thời gian lẫn tiền của.
Nếu kết hợp ăn ý với kiến trúc sư, bạn sẽ sớm sở hữu ngôi nhà như ý, đảm bảo chức năng sử dụng, thẩm mỹ, hợp xu thế và mang đậm dấu ấn cá nhân.
Chú ý đến yếu tố phong thủy:
Đặc trưng của nhà ống là chỉ có mặt thoáng nên việc bố trí các phòng chức năng sao cho vừa tiện dụng, hài hòa và hợp phong thủy là điều rất quan trọng. Nếu không thực sự am hiểu sâu sắc về phong thủy nhà ở, gia chủ nên tìm tới kiến trúc sư hoặc người có chuyên môn để được tư vấn kỹ càng. Sau đây là những lưu ý cơ bản nhất về phong thủy nhà ống:
- Để cân bằng âm dương cho nhà ống, gia chủ cần thiết kế sân trong hoặc giếng trời giúp mang ánh sáng tự nhiên và vượng khí vào nhà.
- Tránh đặt cầu thang giữa nhà bởi cầu thang sẽ rút cạn năng lượng trung tâm của cả ngôi nhà. Đồng thời, bạn cũng không nên thiết kế cầu thang và cửa ra vào thẳng hàng nhau vì cách bố trí này sẽ tạo ra luồng năng lượng bất ổn trong nhà ống.
- Tránh việc hai nhà mở cửa đối diện nhau, nếu không thể đảo cửa, bạn nên sử dụng bình phong (chậu cây, tủ kệ) để che chắn.
- Không nên đặt bếp nấu thẳng với giường ngủ ở phía trên bởi điều này sẽ tác động tiêu cực tới sức khỏe lẫn tâm lý của người sử dụng phòng ngủ đó.
|
Giếng trời không chỉ giúp không gian nội thất thoáng sáng hơn mà còn mang đến nhiều vượng khí cho nhà ống. |
Thực tế cho thấy, khi thiết kế nhà ở nói chung và nhà ống nói riêng, một kiến trúc sư giỏi sẽ quan tâm tới tuổi của gia chủ và hướng nhà. Đây được xem là yếu tố vô cùng quan trọng, là căn cứ đầu tiên để bố trí các phòng chức năng trong nhà sao cho phù hợp. Với diện tích hạn chế nên trong quá trình thiết kế, kiến trúc sư sẽ cần tính tới những giải pháp hóa giải để bản vẽ hài hòa với yếu tố phong thủy. Chẳng hạn, một chút thay đổi khéo léo ở cầu thang, khu bếp nấu hoặc phòng vệ sinh có thể sẽ giúp nhà bạn đón được nhiều tài lộc mà không ảnh hưởng tới công năng sử dụng.
Đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy:
Một nguyên tắc tối quan trọng khi thiết kế nhà ống là yếu tố an toàn, phòng chống cháy nổ. Thực tế đã có rất nhiều vụ cháy nghiêm trọng gây thương vong cho người dân tại các ngôi nhà ống bịt kín, không lối thoát hiểm. Trước thực trạng đó, giới chuyên gia khuyến nghị rằng, nhà ống dù xây để ở hay làm cửa hàng thì đều phải thiết kế cửa thoát nạn ở cả hai đầu nhà nếu có điều kiện. Trường hợp chỉ có một cửa phía trước thì phải thiết kế sao cho người trong nhà thoát được ra ngoài nhanh nhất.
Mặt khác, gia chủ nên mở lối thoát hiểm ở ban công nhà ống. Thậm chí, những nhà liền kề nhau nên tạo ra những lối thoát nạn thông thoáng từ ban công nhà này sang nhà khác, phòng khi hỏa hoạn có thể hỗ trợ nhau. Đồng thời, bạn nên lắp cửa chống cháy ở lối ra ban công nhằm ngăn khói lửa từ trong nhà tràn ra.
Chủ nhân nhà ống tuyệt đối tránh làm lồng sắt bao kín ngôi nhà. Nếu bạn muốn làm để chống trộm thì phải thiết kế sao cho người trong nhà dễ dàng thoát ra, chẳng hạn như cửa có khóa tháo mở linh hoạt.
Mong rằng, với những kiến thức mà Dothi.net chia sẻ trên đây, quý độc giả sẽ nắm rõ hơn về các nguyên tắc cơ bản khi thiết kế nhà ống sao cho đảm bảo cả về công năng, tính thẩm mỹ, an toàn và hợp phong thủy. Nếu yêu thích kiểu kiến trúc nhà ở này, bạn đọc có thể tham khảo thêm những mẫu nhà ống đẹp, được ưa chuộng nhất hiện nay dưới đây: