Hai tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương nằm trong danh mục các dự án quan trọng quốc gia có sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng đều đang vỡ kế hoạch vốn.
Vốn căng như dây đàn
Đây là vấn đề chung của hai dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, gồm tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) do UBND TP.HCM làm chủ quản đầu tư.
Tại Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, sự lệch pha giữa khả năng cấp vốn với tiến độ thi công vừa vào guồng đã khiến chủ đầu tư công trình đứng trước nguy cơ bị các nhà thầu phạt lãi chậm thanh toán.
Theo báo cáo rà soát Dự án do ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký gửi Bộ Giao thông - Vận tải vào đầu tháng 3/2017, việc thanh toán cho 4 gói thầu xây lắp đang triển khai thi công đã bị ngưng từ tháng 9/2016 cho đến nay. Nguyên nhân là số vốn ODA giao cho TP.HCM chỉ có 592,693 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với khối lượng các nhà thầu đã hoàn thành (1.945,268 tỷ đồng). Để giải quyết khó khăn hiện tại, Thành phố đã phải tạm ứng từ ngân sách Thành phố 600 tỷ đồng để kịp thời thanh toán cho các đơn vị tư vấn và nhà thầu.
Theo tiến độ hiện nay, gói thầu số 1a đã được khởi công từ ngày 17/11/2016, nhưng cũng chưa thể tạm ứng hợp đồng như đã ký kết. Theo hợp đồng, đến ngày 15/2/2017, Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị TP.HCM - chủ đầu tư phải tạm ứng khoảng 571 tỷ đồng. Trong trường hợp không thể tạm ứng cho nhà thầu, thì hợp đồng sẽ bị kéo dài và phát sinh chi phí sẽ xảy ra.
Ông Khoa cho biết, theo dự kiến, phân bổ kế hoạch vốn ODA năm 2017 cho Dự án Tuyến metro số 1 là 2.119 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa được ghi vốn kế hoạch, làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động của Dự án.
Tính đến cuối tháng 2/2017, gói thầu số 1b - xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Bến Thành đạt khoảng 41%; gói thầu số 2 - xây dựng đoạn trên cao và depot, chiều dài 17,1 km từ ga Ba Son đến Bình Dương đạt 65%; gói thầu số 3 - mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy, toa xe, đường ra và bảo dưỡng đạt 12% khối lượng. Tính chung, khối lượng giải ngân toàn Dự án đã đạt khoảng 10.900 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 9.712 tỷ đồng.
Được biết, nếu các nhà thầu Nhật - Việt thi công đúng sức, tổng khối lượng hoàn thành của Dự án trong năm 2017 có thể lên tới 5.320 tỷ đồng. “Việc điều chỉnh và bổ sung kịp thời kế hoạch vốn ODA năm 2017 cũng như kế hoạch trung hạn cho Dự án Tuyến metro số 1 là hết sức cấp thiết. Đây là điều kiện cần để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án theo đúng các hiệp định đã cam kết, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm thanh toán và các khiếu kiện của nhà thầu nước ngoài
Tuyến Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km đi qua địa bàn quận 1, quận Bình Thạnh, quận 2, quận Thủ Đức, quận 9 (TP.HCM) và có một phần cuối tuyến thuộc tỉnh Bình Dương (huyện Dĩ An). Trong đó, đoạn tuyến đi ngầm dài 2,6 km, còn đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Tổng mức đầu tư của Dự án sau 3 lần nới đai đã nhảy từ 14.415 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng.
Trước đó, từ tháng 8/2012, đoạn đi trên cao đã được khởi công xây dựng. Theo thiết kế, tốc độ chạy tàu tối đa là 80 km/h trong đường hầm và 110 km/h trên cầu. Dự kiến, tuyến Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoàn thành, đưa vào chạy thử năm 2019, sau đó sẽ khai thác chính thức vào năm 2020.
Chưa xây đã đội vốn
Nếu như tuyến số 1 dù chậm tiến độ, nhưng vẫn có thể hẹn được ngày về đích, thì tuyến đường sắt đô thị số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) cũng do Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị TP.HCM là chủ đầu tư, vẫn còn loay hoay với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và cập nhật hồ sơ mời thầu.
Được biết, tổng mức đầu tư của Dự án metro Bến Thành - Tham Lương đang được đề xuất điều chỉnh lên 2.152,36 triệu USD (tương đương 47.605 tỷ đồng, tăng khoảng 56,6% so với tổng mức đầu tư được duyệt năm 2010). Ba khoản chi phí tăng mạnh nhất tại dự án này là bồi thường giải phóng mặt bằng tăng từ 119,38 triệu USD lên 197,88 triệu USD; xây lắp và mua sắm từ 748,11 lên 1.198 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng từ 263 triệu USD lên 368 triệu USD.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 2/2017, Dự án mới giải ngân vỏn vẹn được gần 700 tỷ đồng, trong đó vốn ODA giải ngân 572 tỷ đồng, bằng 3% khối lượng, trong khi công trình khởi động được 6 năm.
Đại diện Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị TP.HCM thừa nhận, công tác triển khai dự án đến nay đã chậm so với kế hoạch đề ra và cam kết với nhà tài trợ, do quá trình điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh ranh dự án kéo dài; các gói thầu sử dụng nguồn vốn từ nhiều nhà tài trợ; hướng dẫn lựa chọn thầu của các nhà tài trợ và quy định trong nước có sự khác biệt; trình tự xin ý kiến không phản đối từ các nhà tài trợ mất nhiều thời gian.
Theo một chuyên gia, mặc dù xuất hiện những nguyên nhân bất khả kháng, nhưng với việc để tổng mức đầu tư Dự án phát sinh cả trăm triệu USD…, chủ đầu tư công trình cũng phải chịu trách nhiệm cho những yếu kém trong việc kiểm soát chi phí đầu tư công trình.
Là tuyến metro quan trọng nhất của TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương có điểm đầu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và điểm cuối ở Bến xe An Sương (quận 12) có năng lực vận chuyển lên tới 481.700 người/ngày vào năm 2025. Ngoài chi phí đầu tư bị đội lên rất mạnh, thời điểm khai thác tuyến metro đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú sẽ lùi thêm ít nhất là 6 năm nữa (năm 2024). Trong khi đó, Dự án lẽ ra phải hoàn thành vào cuối năm 2016, nếu chiểu theo Quyết định số 4474/QĐ - UBND do UBND TP.HCM phê duyệt.
“UBND TP.HCM cần rà soát tiến độ triển khai thực hiện từng gói thầu của Dự án và có các giải pháp quản lý để tránh tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện, có thể làm tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí quản lý, lãi vay, rủi ro tỷ giá và biến động giá xây dựng”, một chuyên gia kiến nghị.