Dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ được lập vào tháng 12/2002 với rất nhiều chính sách ưu ái nhưng đến nay tiến độ thi công vẫn rất chậm chạp.
Dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ được thành phố Hà Nội giao cho Công ty xây dựng và Phát triển nhà Hai Bà Trưng (nay là Công ty CP Đầu tư Xây dựng phát triển nhà số 7, gọi tắt là Công ty 7) lập và thực hiện vào tháng 12/2002.
Tuy nhiên đến nay dự án mới chỉ dừng lại ở việc làm xong móng của 1/10 công trình. Đặc biệt, mới đây Công ty 7 chính thức đề nghị: Nếu dự án tổng thể được triển khai thì thành phố phải dùng ngân sách bù đắp khoản lỗ hơn 2.000 tỷ đồng.
Phối cảnh dự án cải tạo chung cư cũ Nguyễn Công Trứ.
Ưu ái lớn vẫn chậm như thường
Để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, thành phố Hà Nội đã giao tất cả 6 lô đất với 213.000m2 cho Công ty 7. Trong đó có 4 khu đất đã được thành phố có quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất là 864 tỷ đồng. Nhưng đến nay Công ty này mới nộp ngân sách 319 tỷ đồng. Nếu tính tiền sử dụng đất của 2 lô còn lại, Công ty 7 còn phải nộp tiền vào ngân sách thành phố khoảng 1.986 tỷ đồng.
Tuy nhận được sự ưu ái rất lớn của thành phố nhưng tiến độ dự án vẫn rất chậm. Đến nay, dự án đã đi vào thực hiện được gần 5 năm thực song Công ty 7 mới xây được 3 tầng hầm và 4/19 tầng nổi của tòa N3.
Điều đáng lưu ý ở đây là tòa nhà N3 có tổng mức đầu tư 502 tỷ đồng, chưa bằng số tiền mà doanh nghiệp còn nợ từ nhiều năm qua. Hơn nữa, đơn vị này còn được thành phố cho phép vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển lên đến 70% giá trị xây lắp và thiết bị của dự án. Tuy nhiên, công trình đã chậm 2 năm và 200 hộ dân trong diện tái định cư vẫn tiếp tục sống trong cảnh nhà thuê. Ngân sách thành phố vẫn đang phải gánh hằng ngày.
Dự án quá được "cưng chiều"
Dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ được biết đến là dự án xã hội hóa với mục tiêu hạn chế thấp nhất sự hỗ trợ từ ngân sách. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư dự án tổng thể do công ty 7 đưa ra là 7.542 tỷ đồng khiến không ít người phải giật mình.
Trong khi đó, thực tế dự kiến nguồn thu chỉ có 5.345 tỷ đồng. Như vậy dự án tổng thể khi được thực hiện bị âm 2.197 tỷ đồng.
Theo tính toán của Công ty 7 trình lên thành phố, cả 3 đợt thực hiện dự án đều lỗ, thậm chí là lỗ nặng. Cá biệt, đợt 3 - xây dựng nhà N1C, N1D, HH1, HH2, N5, N6 có tổng mức đầu tư lên đến trên 4.000 tỷ đồng và doanh nghiệp này lãi được… 7,5 tỷ đồng.
Điều không ngạc nhiên là Công ty 7 khéo léo đề nghị đẩy món lỗ về phía ngân sách. Như vậy 2.197 tỷ đồng tiền lỗ đã được đề nghị thành phố trả cho doanh nghiệp từ nguồn đã thu tiền sử dụng đất, kể cả lợi nhuận từ các dự án thành phố giao và sẽ giao.
Điều khá trùng hợp là số tiền “lỗ” của dự án Nguyễn Công Trứ gần như vừa đủ với số tiền sử dụng đất của 6 dự án mà Công ty phải nộp cho ngân sách. Trong trường hợp được chấp thuận, dường như Công ty được cho không 213.000m2 đất và còn rất nhiều quyền lợi khác. Thực tế đó đã khiến nhiều người không khỏi thắc mắc rằng tại sao Công ty lại được thành phố Hà Nội “cưng chiều” đến vậy?
Cần nghiêm khắc hơn với chủ dự án
Vừa qua, tại cuộc họp bàn về phương án tài chính mà Công ty số 7 đưa ra, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho rằng, trong trường hợp chủ đầu tư không thể tự cân đối về tài chính thì nhà nước cần có cơ chế, phương thức cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua hình thức giao đất, giao dự án. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ này phải thực hiện theo nguyên tắc tiền tệ hóa, dân chủ, công khai, công bằng giữa dự án cải tạo KTT Nguyễn Công Trứ và các dự án khác sau này. Đồng thời, ngăn ngừa tối đa những tiêu cực phát sinh của cơ chế xin - cho. Đặc biệt, nhất thiết phải tránh để xảy ra tình trạng thất thoát vốn, gây lãng phí ngân sách và các nguồn lực khác của thành phố.