Vào ngày 12/9 vừa qua, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp bàn về các dự án giao thông, đường sắt đô thị, cao tốc đường bộ..., trong đó có cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đó, ngành giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải chủ động và tập trung hơn nữa trong việc giải quyết vướng mắc, thủ tục; chỉ đạo hoàn thành các chương trình, dự án, đặc biệt là hệ thống sân bay, đường cao tốc và nhiều lĩnh vực khác.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: VGP) |
Nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là tổ chức công việc đúng theo chức năng đã được quy định. Những đơn vị không hoàn thành sẽ bị xử lý nghiêm. Theo người đứng đầu Chính phủ, việc xử lý trong một số lĩnh vực còn chậm trễ nên Bộ Giao thông Vận tải phải giao trách nhiệm, thời hạn rõ ràng hơn, tìm ra nguyên nhân gây trì trệ để khắc phục. Nhằm phát huy nguồn lực tổng hợp cần phân biệt việc gì do Nhà nước làm, việc gì cần xã hội hóa.
Đối với một số vấn đề, dự án cụ thể mà Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, thông xe năm 2020, đến năm 2021 sẽ khánh thành.
Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề khai thác bay của cảng hàng không cần đảm bảo hoạt động bình thường và an toàn. Những bất cập tại các sân bay lớn hiện nay cần được chủ động khắc phục. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo hoạt động bình thường của sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất, tránh để xảy ra những vấn đề tác động tiêu cực tới an toàn bay.
Riêng với vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chỉ đạo xử lý thường xuyên. Các dự án xã hội hóa, dự án do Nhà nước làm, dự án đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng hàng không cần được Bộ Giao thông Vận tải công khai minh bạch. Qua đó có kế hoạch triển khai, huy động nguồn lực hiệu quả hơn.
Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì giải quyết những vướng mắc của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, sớm đưa tuyến Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khai thác.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ chủ trì, rà soát, giải quyết các vấn đề của dự án đường sắt đô thị còn lại tại TP.HCM và Hà Nội, kịp thời báo cáo lên Thủ tướng, Chính phủ hệ thống tuyến đường sắt. Đối với việc triển khai hệ thống thu phí không dừng, chậm nhất tới ngày 31/12/2019 cần triển khai các trạm BOT.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính Online